Để mũ công an trên ôtô - mẹo 'trong ngành' của tài xế Việt?
‘Anh em’ trong ngành mà tha cho nhau lỗi vi phạm giao thông, còn người dân không trong ngành thì không được hưởng ‘cái tình’ đó.

Bên tình bên lý, bên nào nặng hơn? Chắc các bạn cũng khó trả lời, vì ở Việt Nam chúng ta trước nay nổi tiếng với kiểu làm việc, ngoài có lý cũng cần có tình, gây ra những ngoại lệ không đáng có. Người vi phạm giao thông thì bị xử phạt, đó là điều đương nhiên, nhưng xe vi phạm mà có để mũ công an, có khi lại được bỏ qua.

Cuối tuần vừa rồi, tôi có việc cùng một người bạn từ Hà Nội về quê cách 150 km. Đoạn đường đi qua nhiều chốt, có những đoạn nội thành giới hạn 50 km/h nhưng cậu bạn vẫn tự tin đạp tới hơn 60 km/h.

Chậm thôi ông ơi, có biển giới hạn đông dân cư mà“, tôi nhắc.

Vừa nhìn đường, chân vẫn giữ ở chân ga, cậu bạn không buồn liếc sang, hào hứng trả lời:

Không sao đâu, tôi đang đi làm nhiệm vụ mà“, từ “nhiệm vụ” được nhấn mạnh đầy ẩn ý, đồng thời chỉ tay vào chiếc mũ kê-pi đặt gọn trên khoảng trống giữa nắp ca-pô và kính lái.

Cậu ấy sai, rõ ràng đã sai, vì cố tình vi phạm luật an toàn giao thông. Nhưng vì sao lại tự tin như thế? Vì trước nay ôtô để mũ công an thường không bị “hỏi thăm” khi vi phạm luật giao thông, đã thành tiền lệ, thậm chí một loại luật bất thành văn.

Để mũ công an trên ôtô - mẹo 'trong ngành' của tài xế Việt?
Để mũ công an trên ôtô – mẹo ‘trong ngành’ của tài xế Việt?

Tôi nhớ khoảng năm 2012, khi báo chí đăng tải những hình ảnh ôtô để mũ công an vi phạm giao thông rất nhiều, có ý kiến cho rằng ở một nơi đang quá độ, chưa ổn định như Việt Nam thì ngoài cái lý, còn có cái tình. Tức là nếu công an đi vượt quá tốc độ cho phép vài km/h hay những lỗi nhỏ, có thể xem xét mà chỉ nhắc nhở cho qua. Ôi tôi cũng muốn thế quá!

Với tôi đã là luật thì phải thật nghiêm, cứ luật mà làm, không có cái tình nào trong cái lý cả. Nếu chỉ cần một chút những trường hợp vì cái tình đó thôi, mà trở thành ngoại lệ thì có những hậu quả về sau không thể nào kiểm soát.

Có thể thấy rõ là hiện nay, rất nhiều người dù không công tác trong ngành nhưng vẫn cố kiếm cho mình một chiếc mũ để dưới kính xe, vì họ cho rằng có mũ sẽ không bị thổi phạt, bị dừng xe khi vi phạm luật giao thông. Nặng nề hơn nữa là kẻ xấu lợi dụng để phạm pháp. Giá phải trả cho những “cái tình” như thế liệu có hợp lý?