– Hiệp hội Vận tải hàng hóa TPHCM vừa có văn bản kiến nghị Bộ Tài chính mở cuộc đối thoại với doanh nghiệp vận tải về mức thu quỹ bảo trì đường bộ trước khi ban hành thông tư thực hiện từ ngày 1-6
Theo văn bản được Hiệp hội Vận tải hàng hóa TPHCM gửi Bộ Tài chính ngày 24-4 và cung cấp cho Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, hiệp hội này cho rằng nhiều quy định trong nghị định về quỹ bảo trì đường bộ chưa phù hợp với thực tế nếu áp dụng sẽ gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp vận tải khi văn bản có hiệu lực thi hành.
Do vậy, các doanh nghiệp vận tải kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) và Bộ Tài chính phải công khai đối thoại với người dân, doanh nghiệp và hiệp hội vận tải để có phương án tháo gỡ và đưa ra mức thu phù hợp.
Hiệp hội Vận tải hàng hóa TPHCM cũng cho rằng, Bộ GTVT phải đánh giá đúng nguyên nhân làm hư hỏng hạ tầng giao thông và phân biệt rõ trách nhiệm của các bên có liên quan. Ví dụ, đường hư hỏng do thiên tai thì không thể dùng phí bảo trì đường bộ thu từ phương tiện vận tải. Và quỹ bảo trì đường bộ càng không thể dùng vào việc sửa chữa các công trình chất lượng yếu kém do quá trình thi công gây ra.
Hiệp hội này cũng kiến nghị rằng, phải có cơ chế quản lý, sử dụng quỹ bảo trì đường bộ một cách rõ ràng và minh bạch. Hằng năm, Nhà nước phải công bố những tuyến đường nào được bảo trì, sửa chữa, kinh phí là bao nhiêu và thời gian tiến độ thi công rõ ràng để người dân giám sát.
Song song với vấn đề công khai quỹ, cơ quan quản lý nhà nước phải kiểm soát được giá đầu tư và chất lượng công trình giao thông đường bộ để giảm chi phí đầu tư, giảm chi phí duy tu sửa chữa cầu đường. Việc giá thành xây dựng cao nhưng chất lượng không tương xứng đang là vấn đề gây bức xúc cho người dân trong quá trình đóng phí.
Về mức thu, các doanh nghiệp cũng kiến nghị nên xem xét mức thu sao cho phù hợp với thực tế sử dụng đường bộ của người trả phí. Với mức thu 1,44 triệu đồng/tháng đối với xe tải nặng và xe container là một mức thu khá lớn cho các doanh nghiệp ở thời điểm khó khăn. Đối với nhiều tuyến vận tải hiện nay (như tuyến từ Cảng Cát Lái đi Cần Thơ) doanh nghiệp vận tải đang phải chịu chi phí cầu đường bộ lên đến 19% tổng giá cước một chuyến hàng. Cộng với các chi phí khác như lãi suất vay ngân hàng, dầu, vỏ lốp… ngày càng tăng thì nhiều doanh nghiệp vận tải đang kinh doanh không có lợi nhuận.
Do vậy, để đảm bảo cho sự lưu thông hàng hóa, tránh trường hợp doanh nghiệp bán xe gây ách tắc về vận chuyển hàng hóa sau thời điểm các văn bản có hiệu lực áp dụng, Bộ Tài chính và Bộ GTVT cần có cuộc đối thoại với doanh nghiệp trước khi ban hành.