Để thực hiện đề xuất tịch thu phương tiện của người vi phạm giao thông, nếu cần thiết thì sửa luật.
Để thực hiện đề xuất tịch thu phương tiện của người vi phạm giao thông, nếu cần thiết thì sửa luật, vì pháp luật của chúng ta ban hành ra trong thời điểm chưa xuất hiện những tình huống điển hình. Xã hội có tình huống phát sinh, nếu cần thiết thì phải sửa đổi luật cho phù hợp, có những khi vừa sửa xong nhưng thấy cần thiết vẫn phải sửa đổi tiếp.
Đó là quan điểm của các chuyên gia khi trao đổi với PV Báo Giao thông về đề xuất tịch thu phương tiện vi phạm của Ủy ban ATGT Quốc gia.
Ông Nguyễn Sỹ Cương (Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội): Phạt nặng vi phạm mới giảm.
Tôi luôn luôn ủng hộ biện pháp mạnh trong việc xử phạt. Vì đó là một trong những giải pháp rất cơ bản giúp lập lại trật tự ATGT, nhưng biện pháp mạnh đó trước tiên phải đảm bảo cơ sở pháp lý. Trước kia, khi xây dựng Luật Xử lý vi phạm hành chính cũng đã có những đề xuất liên quan đến việc xử lý vi phạm hành chính đối với xe vi phạm. Có ý kiến yêu cầu xe vi phạm bị giữ sẽ xem xét và có trường hợp tịch thu, bán sung công quỹ, nhưng vấn đề này đưa ra Quốc hội thảo luận vẫn còn nhiều ý kiến. Bấy lâu nay chúng ta đều nói chế tài không đủ sức răn đe, nhưng tôi thấy, điều quan trọng hơn là tỉ lệ người vi phạm bị xử phạt ở nước ta quá thấp. Nếu đứng ở một ngã tư đường thì có thể dễ dàng thấy số người vi phạm giao thông bị xử phạt chỉ khoảng 15-20%. Vậy nên, trong tiềm thức của người dân tạo thói quen rằng, những ai bị bắt và bị phạt chỉ là tình cờ thôi.
Thời gian tôi sống và học tập ở nước ngoài, dân bên đó người ta rất sợ vi phạm vì sợ bị phạt, vì trong tiềm thức của họ, cứ vi phạm là sẽ bị xử lý. Trong khi đó ở nước ta, việc
Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ GTVT khẩn trương chủ trì, phối hợp với các Bộ: Công an, Tư pháp và các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất của Ủy ban ATGT Quốc gia về quy định xử phạt đối với những hành vi trực tiếp gây TNGT và hư hỏng kết cấu hạ tầng, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định trước ngày 31/3/2015. Tiến Minh |
vượt đèn đỏ và đi vào đường cấm dường như không phải phổ biến nữa mà nói hơi nặng nề là nó thành “quốc nạn” rồi. Chỉ cần đứng ngã tư mà đếm thì thấy vi phạm quá nhiều, chừng nào việc xử phạt còn thấp và hiện trạng vi phạm tràn lan như thế vẫn tồn tại thì các giải pháp khác đưa ra đều không giải quyết được vấn đề.
Theo tôi, bất cứ hành vi vi phạm nào cũng bị xử thì sẽ khác. Lúc đó mới thể hiện được tinh thần thượng tôn pháp luật, mới nâng cao được ý thức chấp hành của người dân, giá trị về mặt pháp luật mới được nâng cao. Riêng với đề xuất của Ủy ban ATGT Quốc gia, theo tôi việc tịch thu phương tiện nên áp dụng đối với những trường hợp tái phạm, còn đối với vi phạm lần đầu thì chưa nên áp dụng ngay. Để thực hiện đề xuất này, nếu cần thiết thì phải sửa luật, vì pháp luật của ta ban hành ra trong thời điểm chưa xuất hiện những tình huống điển hình. Giờ trong xã hội có tình huống phát sinh, nếu cần thiết thì phải sửa đổi cho phù hợp, có những khi vừa sửa xong nhưng cần thiết thì vẫn phải sửa đổi tiếp.
Theo tinh thần chung, tôi ủng hộ biện pháp mạnh như đề xuất, nhưng phải đảm bảo vấn đề pháp lý, nếu cần thiết thì phải sửa đổi một số luật cho đảm bảo tính đồng bộ của hệ thống pháp luật.
Nhà báo Phan Lợi (Phó Tổng thư ký Báo Pháp luật TP HCM): Dư luận ủng hộ
Về mục tiêu của đề xuất này, tôi ủng hộ hai vấn đề. Thứ nhất là, ủng hộ mục tiêu giảm TNGT, thứ hai là, ủng hộ việc trừng trị những người sử dụng rượu, bia, quá nồng độ cho phép mà điều khiển các phương tiện giao thông, trong đó có xe ô tô – loại phương tiện có khả năng gây nguy hiểm cao.
Tuy nhiên, theo tôi phương pháp tịch thu xe của người vi phạm thì cần phải tính toán kỹ lưỡng, vì tất cả những biện pháp mạnh liên quan đến quyền của tòa án. Lâu nay, những việc liên quan đến tài sản của người dân đều nằm trong các bản án của tòa án. Các bản án này được thiết lập trên cơ sở một quy trình buộc tội – gỡ tội chặt chẽ, có cả hai phía buộc và gỡ, sau đó tòa án mới phán quyết được. Còn ở đây, nếu chỉ bằng một quyết định hành chính mà định đoạt một tài sản lớn như một chiếc ô tô thì cần phải xem xét kỹ, mặc dù xét về mặt mục tiêu là rất tốt. Là một người nghiên cứu truyền thông, đo lường ý kiến của dư luận xã hội, tôi cho rằng mọi người đều đồng tình về mặt mục tiêu.
Nhưng về phương pháp, cần phải có những nghiên cứu có bằng chứng, có nghĩa là chúng ta phải đưa ra được những số liệu thuyết phục về các vụ TNGT nghiêm trọng xuất phát từ việc tài xế có sử dụng rượu, bia quá nồng độ cho phép, ví dụ trong 100 vụ TNGT nghiêm trọng có bao nhiêu vụ do sử dụng rượu bia. Trong đó, tỉ lệ ô tô chiếm bao nhiêu, xe máy chiếm bao nhiêu. Nếu có những nghiên cứu mang tính bằng chứng như vậy thì giới chuyên môn và truyền thông mới có thể chấp nhận, đặc biệt là những người thuộc đối tượng điều chỉnh của quy định này mới “tâm phục khẩu phục”. Thực ra, số người chết hàng ngày và hậu quả mà xã hội đang phải gánh chịu do TNGT luôn luôn ở mức báo động.
Tuy nhiên, phạt nặng không thể là một biện pháp có thể giải quyết dứt điểm ngay, mà chúng ta cần phải có rất nhiều các biện pháp đồng bộ, ví dụ như cải tạo hạ tầng giao thông, khắc phục công tác tuần tra kiểm soát giao thông, kiểm soát bằng lái của những người không đủ tiêu chuẩn về trình độ, kỹ thuật và đạo đức khi lái xe, kiểm định những phương tiện không đủ tiêu chuẩn… Trừng trị mạnh chỉ nên là một trong những giải pháp như vậy.
LS Nguyễn Anh Thơm (Trưởng văn phòng luật sư Nguyễn Anh – Đoàn luật sư TP Hà Nội): Nên hoàn chỉnh hành lang pháp lý
Thực chất, đây không phải là một đề xuất mới, vì trong các pháp lệnh xử phạt hành chính của chúng ta đã có những điều khoản quy định về việc trong những trường hợp nào thì phải tịch thu phương tiện của người tham gia giao thông. Trong Bộ luật Hình sự hay các bộ luật khác cũng đều có quy định về quyền sở hữu phương tiện liên quan đến việc này.
Vấn đề đặt ra ở đây là để triển khai việc tịch thu đó thì sẽ có nhiều vấn đề phát sinh, vì tịch thu phương tiện lại gắn liền với quyền sở hữu được các văn bản khác điều chỉnh như Luật Dân sự có quy định về luật sở hữu tài sản của dân. Về nguyên tắc, nếu tịch thu phương tiện thì phương tiện đó phải thuộc quyền sở hữu của người vi phạm thì mới có cơ sở để thu. Còn nếu phương tiện do người ta thuê, mượn, xe không chính chủ, hay là tài sản chung của vợ chồng… thì sẽ xuất hiện nhiều bất cập. Theo tôi, nếu muốn đề xuất này được thực hiện thì phải sửa đổi các quy định của pháp luật trong các bộ luật khác như Bộ luật Dân sự là bộ luật gốc, sửa đổi hoặc có những văn bản hướng dẫn cụ thể thì mới có khả năng thực hiện được. Đây là một đề xuất rất tốt, mang tính chất răn đe cao đối với những người vi phạm. Bản thân tôi rất ủng hộ đề xuất này nhưng tôi nhấn mạnh rằng, nhất thiết phải có những hành lang pháp lý, những quy định, văn bản hướng dẫn cụ thể, có sự sửa đổi về luật pháp cho đồng bộ về thực trạng pháp luật.
Đại tá Đào Vịnh Thắng (Trưởng phòng CSGT Công an TP Hà Nội): Phạt nặng mới đủ tính răn đe
Trong thời gian qua, tình trạng vi phạm nồng độ cồn, uống rượu, bia quá quy định khi điều khiển phương tiện đã dẫn tới những hậu quả vô cùng đau lòng. Đây là một trong những nguyên nhân trực tiếp gây ra nhiều vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng. Hiện chế tài xử lý đối với người điều khiển phương tiện vi phạm vẫn còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe. Chúng tôi kiến nghị, đối với những vi phạm này phải xử lý thật nghiêm. Ví dụ, lái xe vi phạm lần 1 sẽ bị tước giấy phép lái xe 3 tháng. Vi phạm lần 2 thì bị tước giấy phép 6 tháng. Còn tái phạm nhiều lần sẽ bị “treo” bằng vĩnh viễn, không được phép điều khiển phương tiện. Riêng những trường hợp uống rượu, bia, điều khiển phương tiện gây hậu quả nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng, cần phải truy tố trước pháp luật để làm gương, răn đe đối với các lái xe khác.
Về đề xuất của Ủy ban ATGT Quốc gia tịch thu phương tiện đối với lái xe vi phạm nồng độ cồn, quan điểm của tôi là cần phải nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng tất cả các mặt. Phương tiện là tài sản cá nhân của người dân. Những phương tiện bị tịch thu, sung công quỹ cần phải được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.