Nhiều tài xế năn nỉ, bức xúc… khi bị lực lượng chức năng lập biên bản xử phạt 2,5 triệu đồng và giữ bằng lái 30 ngày vì hộp đen (thiết bị giám sát hành trình) không đạt chuẩn, không trích xuất được dữ liệu.
Ngày 4/7, Đội Thanh tra giao thông số 1 (Sở Giao thông Vận tải TP HCM) phối hợp cùng Ban quản lý bến xe Miền Đông ra quân kiểm tra việc gắn hộp đen của các xe khách trong bến. Hầu hết các xe được kiểm tra đều “có vấn đề” và bị lập biên bản xử phạt.
9h sáng, lực lượng Thanh tra yêu cầu tài xế Nguyễn Văn Thắng (thuộc HTX Bù Đăng, tỉnh Bình Phước) mở cửa xe để kiểm tra hộp đen trên xe khách do anh này điều khiển thì phát hiện hộp đen không có tem chứng nhận hợp quy và không trích xuất được dữ liệu. Tài xế Thắng bị lập biên bản xử phạt 2,5 triệu và giữ bằng lái xe 30 ngày theo Nghị định 91 của Chính phủ.
Khi được yêu cầu ký tên vào biên bản, tài xế Thắng năn nỉ lực lượng chức năng “bỏ qua” lần đầu vi phạm nhưng không được chấp nhận liền chuyển sang to tiếng vì “không phục”.
Theo tài xế này, nhà xe đã bỏ ra 5,5 triệu đồng để lắp thiết bị giám sát hành trình còn việc đơn vị cung cấp thiết bị hành trình có “hợp quy” hay không tài xế không thể biết. “Nhà nước yêu cầu lắp hộp đen, chúng tôi đã bỏ tiền ra để lắp, bây giờ lại bị xử phạt 2,5 triệu vì không có giấy chứng nhận là không được. Lại còn giữ bằng lái 30 ngày nữa thì tài xế chúng tôi lấy gì mà ăn”, tài xế Thắng bức xúc.
Tương tự, khi lực lượng Thanh tra xét một xe khách mang biển số Bình Phước khác (thuộc HTX Chơn Thành) thì hộp đen trên xe cũng không trích xuất được dữ liệu hành trình. Khi bị lập biên bản xử phạt, tài xế Nguyễn Văn Minh nói với vẻ mặt đau khổ: “Các anh làm vậy thì tội nghiệp cho chúng tôi quá. Cơ quan chức năng bảo lắp hộp đen thì nhà xe đã lắp rồi, còn nó có hoạt động hay bị lỗi gì không thì phải làm việc với nhà xe, với đơn vị cung cấp hộp đen chứ sao lại xử phạt và giữ bằng lái của tài xế. Chúng tôi chỉ là người lái xe có biết gì đâu”, .
Trong khi đó, khi bị kiểm tra hộp đen, tài xế Phạm Thành Tài (thuộc HTX Bến Cát) đã đưa cho lực lượng Thanh tra xem biên bản của Sở Giao thông Vận tải Bình Dương. “Sở GTVT Bình Dương thông báo cho chúng tôi là đến ngày 10/7 mới xử phạt sao bây giờ đã bị Thanh tra phạt. Các anh phải giải thích cho chúng tôi hiểu?”, tài xế Tài bức xúc.
Trả lời thắc mắc này, ông Đàm Phan Phát, Đội trưởng Đội Thanh tra số 1 cho biết theo Nghị định của Chính phủ, từ ngày 1/7 cơ quan chức năng bắt đầu xử phạt việc gắn hộp đen không đúng quy định trên xe khách. “Vì sao Sở Giao thông Vận tải Bình Dương thông báo như thế thì chúng tôi không biết. Nhưng chúng tôi đang kiểm tra xe khách trên địa bàn TP HCM là đúng theo tinh thần Nghị định 91”, ông Phát nói.
Trao đổi với VnExpress.net, ông Phát cho biết trong sáng 4/7 cơ quan chức năng đã kiểm tra gần chục xe khách thuộc các HTX ở Bình Phước. Do là những ngày đầu xử phạt nên hầu hết các xe khách đều vi phạm hoặc hộp đen gặp trục trặc khi bị kiểm tra. “Các lỗi chủ yếu là hộp đen không trích xuất được dữ liệu, không có bảng trạng thái thiết bị, hướng dẫn in và đổi tài…”, ông Phát thông tin.
Theo ông Phát, việc lắp hộp đen liên quan đến nhiều phía từ tài xế, nhà xe, HTX và cả các đơn vị cung cấp hộp đen. Vì vậy, các bên liên quan cần phải có trách nhiệm hỗ trợ nhau chứ không thể phó mặc cho tất cả tài xế được. “Đơn vị cung cấp hộp đen phải hướng dẫn nhà xe cách sử dụng. Doanh nghiệp vận tải cũng phải hướng dẫn cho các tài xế chứ để đến khi kiểm tra tài xế không biết sử dụng hộp đen như thế nào, hộp đen không trích xuất được dữ liệu thì tất nhiên sẽ bị lập biên bản xử phạt hành chính và giữ bằng lái 30 ngày theo quy định”, ông Phát nói.
Nghị định 91 của Chính phủ có hiệu lực từ ngày 1/7 quy định các phương tiện vận tải hành khách theo tuyến cố định, hợp đồng, xe buýt, xe container phải gắn hộp đen và mức phạt cho vi phạm này từ 2 đến 3 triệu đồng kèm theo hình thức phạt bổ sung là tước giấy phép lái xe 30 ngày. Doanh nghiệp có 20% số phương tiện chạy quá tốc độ sẽ bị rút giấy phép kinh doanh.
Hộp đen hợp chuẩn, hợp quy phải trích xuất được các thông tin chi tiết về hành trình xe, xe và tài xế; tốc độ của xe; số lần và thời gian dừng đỗ; vị trí xe lắp đặt thiết bị trên bản đồ; thông tin về số lần và thời gian đóng mở cửa xe, thời gian lái xe của tài xế (không lái xe liên tục 4 giờ và không quá 10 giờ/ngày)…
Theo Bộ Giao thông Vận tải, qua phân tích số liệu các vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng cho thấy nguyên nhân chính do vi phạm tốc độ, sai phần đường, vượt không đúng quy định chiếm 50 – 60%. Ba nguyên nhân gây tai nạn nói trên hoàn toàn có thể bị hộp đen đủ tiêu chuẩn (chiếu theo quy chuẩn bộ GTVT đã ban hành) phát hiện, để cảnh báo đến tài xế. Vì vậy, hộp đen được kỳ vọng sẽ là giải pháp hữu hiệu để giám sát các tài xế cũng như doanh nghiệp vận tải, góp phần kéo giảm các vụ tai nạn thảm khốc.