UBND tỉnh Đồng Nai cho rằng nếu không giải phóng mặt bằng ngay từ bây giờ thì dự án sân bay Long Thành khó có thể được khởi công trong năm 2018 như kế hoạch.
Tỉnh Đồng Nai vừa có văn bản báo cáo Thủ tướng đề nghị Thường vụ Quốc hội cho áp dụng cơ chế đặc thù đối với dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành trong vấn đề giải phóng mặt bằng.
Theo đó, tỉnh kiến nghị cho tách tiểu dự án bồi thường, giải phóng mặt bằng và ứng vốn để địa phương bắt tay vào việc thực hiện thay vì phải chờ đến khi báo cáo khả thi dự án được trình lại xin ý kiến Quốc hội.
Lý do, theo tỉnh Đồng Nai, các quy định hiện nay bắt buộc việc giải phóng mặt bằng khi dự án đã được Quốc hội thông qua báo cáo đầu tư. Do đó, đối chiếu vào kế hoạch của chủ đầu tư là Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) thì dự kiến sớm nhất cũng phải vào giữa năm 2017 đơn vị này mới trình bản báo cáo khả thi lên cơ quan quyền lực cao nhất. Khi đó, công tác giải phóng mặt bằng, đền bù, tái định cư nếu chỉ có hơn một năm rưỡi để thực hiện thì khó hoàn thành.
Trong văn bản gửi Thủ tướng cuối tuần này, Chủ tịch tỉnh Đồng Nai – Đinh Quốc Thái cho rằng với quy mô dự án lớn, phạm vi giải phóng mặt bằng ảnh hưởng đến gần 15.000 người của hơn 4.700 hộ cũng như khối lượng công việc đồ sộ nên cần khoảng thời gian 3 năm để hoàn tất.
Do vậy, nếu được triển khai từ giữa năm 2017 thì theo quy trình thông thường phải tới năm 2020 địa phương mới có thể bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư thực hiện dự án. Khi ấy, giai đoạn một của sân bay Long Thành chỉ có thể hoàn thành vào khoảng năm 2025 chứ khó về đích năm 2023 như kế hoạch ban đầu.
Cho nên, để đảm bảo tiến độ bàn giao mặt bằng vào năm 2018, muộn nhất là vào đầu năm 2019, UBND tỉnh Đồng Nai kiến nghị Thủ tướng cho phép tạm ứng vốn để thực hiện giải phóng trước 2.750 ha mặt bằng phục vụ giai đoạn một của dự án. Địa phương đồng thời xin được chỉ định thầu các gói tư vấn, thiết kế, giám sát thi công trước một khu tái định cư Lộc An – Bình Sơn quy mô 282 ha cho các hộ bị giải tỏa trắng.
Tính toán của địa phương cho thấy số tiền cần trong giai đoạn này lên đến hơn 11.200 tỷ đồng, cụ thể như sau: cần 9.250 tỷ cho việc thi công khu tái định cư. Khoảng 1.500 tỷ cho công tác thẩm định, phê duyệt phương án bồi thường và vận động dân bàn giao mặt bằng. Ngoài ra khoảng 240 tỷ phục vụ việc thẩm định đề án, khung chính sách kê khai tài sản, đất đai…
Sau khi hoàn thành bàn giao giai đoạn một để dự án khởi công, địa phương sẽ hoàn thành nốt việc giải phóng 2.250 ha còn lại (giai đoạn 2).
Tổng chi phí để giải phóng 5.000ha cả hai giai đoạn được UBND tỉnh Đồng Nai tính toán vào khoảng 18.574 tỷ đồng.
Trước đó, Tổng công ty Cảng hàng không trong đề cương báo cáo khả thi đã kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải nhiều giải pháp đặc thù nhằm đẩy nhanh quy trình chuẩn bị. Cụ thể, ACV muốn tổ chức thi tuyển kiến trúc nhà ga hành khách và đài kiểm soát không lưu song song với việc lựa chọn nhà thầu lập báo cáo nghiên cứu khả thi. Trong trường hợp đơn vị trúng tuyển thiết kế kiến trúc khác với nhà thầu tư vấn lập báo cáo khả thi thì sẽ yêu cầu hai bên phối hợp để đảm bảo tiến độ chung của dự án.
Đặc biệt, ACV muốn được triển khai thi công ngay các hạng mục công việc độc lập và triển khai thiết kế kỹ thuật ngay sau khi báo cáo nghiên cứu khả thi được phê duyệt.
Để báo cáo khả thi được trình lên cấp thẩm quyền sớm, chủ đầu tư cũng đề nghị được tách báo cáo phần một (cho giai đoạn một) dự án trước, dự kiến chỉ mất 4 tháng sau khi tiến hành nghiên cứu. Toàn bộ báo cáo các giai đoạn sau sẽ được hoàn thiện vào khoảng tháng 4/2017.
Hồi đầu tháng 8, cũng trong nỗ lực rút gọn quy trình chuẩn bị dự án, Tổng công ty đã kiến nghị Bộ Giao thông chỉ định nhà thầu tư vấn lập báo cáo khả thi (FS) sẽ kiêm luôn tư vấn thiết kế cho toàn bộ dự án về sau. ACV cũng xin không tổ chức thi tuyển phương án kiến trúc nhà ga và đài kiểm soát không lưu mà đưa nội dung này thành một tiêu chí lựa chọn nhà thầu thực hiện FS.
Lãnh đạo ACV cho rằng điều này không chỉ giúp rút ngắn tiến độ trong công tác lựa chọn tư vấn thiết kế nhằm kịp thời khởi công, mà còn giúp đồng bộ trong công tác triển khai các ý tưởng thiết kế về sau.