Hãng xe sang Nhật sau 13 năm có mặt ở thị trường Mỹ đã ‘tin tưởng’ đưa vào hoạt động nhà máy đầu tiên, lắp ráp chiếc ES sedan.
Mới đây, Lexus chính thức công bố khai trương dây chuyền lắp ráp xe đầu tiên tại Mỹ, tại nhà máy của Toyota ở Georgetown (Kentucky). Nhà máy với vốn đầu tư 360 triệu USD này ban đầu sẽ chỉ sản xuất ES 350, mẫu xe bán chạy nhất của thương hiệu xe sang Nhật tại Mỹ.
Công suất mỗi năm của nhà máy vào mức 550.000 xe, lớn hơn rất nhiều mức 50.000 xe của nền nhà máy cũ, tạo mới 750 vị trí công việc cho 7.500 nhân viên. Wil James, chủ tịch nhà máy Toyota ở Kentucky cho biết, “Đây là niềm tự hào của chúng tôi, ngày đầu Toyota sản xuất ở đây là chiếc Camry, bán chạy nhất nước Mỹ trong 13 năm, và bây giờ truyền thống tiếp nối với Lexus ES”.
Hãng xe Nhật vui vẻ, Kentucky tất nhiên lại càng vui. Năm 2013, khi kế hoạch đặt nhà máy tại Mỹ được Lexus chính thức công bố, Steve Beshear, thống đốc bang Kentucky từng phát biểu “Chúng tôi thấy vinh dự và cảm ơn Toyota rất nhiều vì sản xuất chiếc sedan bán chạy nhất của Lexus ở Mỹ. Chúng tôi đánh giá cao những mẫu xe của hãng cũng như những đóng góp sắp tới”.
Nhưng động thái đưa xe tới Mỹ lắp ráp khiến giới chuyên môn đánh giá, Lexus cũng như Toyota đang chấp nhận phá vỡ truyền thống, dù chắc chắn có những lo lắng, e ngại phía sau quyết định lịch sử này.
Lexus đã có niềm tin tuyệt đối vào thị trường Mỹ, hay chỉ là niềm tin bắt buộc?
Chính CEO Akio Toyoda, cháu trai của nhà sáng lập Kiichiro Toyoda, từng tiết lộ rằng ông lo lắng khi bắt tay sản xuất xe tại Mỹ. Bản thân Toyota khi tạo ra Lexus năm 1989 đã nhắm vào thị trường Mỹ, Lexus là viết tắt của “Luxury Export to US”, nhưng để đảm bảo chất lượng thì xe phải sản xuất tại Nhật.
Lexus đã tin tưởng mang dây chuyền lắp ráp tới Bắc Mỹ vào năm 2003, với chiếc SUV RX, nhưng là ở Canada chứ không phải Mỹ. Nhà máy Toyota ở Canada khi đó đã lắp ráp từ cuối những năm 1980, với đội ngũ nhân viên được đào tạo quy trình qua nhiều năm.
Đến 2015, Lexus cũng sử dụng một nhà máy có thâm niên ở Mỹ để lắp ráp ES. Nhà máy ở Kentucky thành lập từ 1986. Akio Toyoda lo ngại mạng lưới nhà cung cấp ở Mỹ không đảm bảo đúng chất lượng cho các bộ phận sẽ lắp trên xe Lexus giống như ở Nhật, nhưng vị CEO cũng phần nào yên tâm bởi lẽ nhà máy ở Kentucky là nhà máy lớn nhất của Toyota bên ngoài Nhật Bản.
Thêm nữa, sản xuất địa phương là chiến lược bắt buộc với Lexus lúc này, nếu không muốn ngày càng tụt dốc. Khi vào Mỹ, Lexus từng đánh bại người Đức và Mỹ để trở thành hãng xe sang lớn nhất tại đây vào năm 2000, và giữ vững danh hiệu này suốt một thập kỷ sau đó. Nhưng vài năm trở lại đây, sự thay đổi nhanh của xe Đức bằng việc tung nhiều sản phẩm khắp các phân khúc, đầu tư vào thay đổi thiết kế, trang bị công nghệ khiến khách hàng dần quay lưng với Lexus, thương hiệu xe sang của Toyota thậm chí thua trên nhiều thị trường khắp thế giới.
Nhà máy ở Mỹ cũng là động thái chống lại tác động tiêu cực của nền kinh tế thế giới. Những suy thoái, bất ổn của kinh tế châu Âu và Trung Quốc khiến đồng yên càng được tin tưởng, trở thành khoản đầu cơ. Sau khi giảm giá khoảng 2 năm trước để kích thích xuất khẩu sau những thiệt hại từ thiên tai, giá đồng yên đang dần ổn định và tăng trở lại theo quy luật của thị trường. Đồng yên lên giá càng cao thì bất lợi cho Lexus càng lớn vì nếu sản xuất ở Nhật, sản phẩm sẽ tăng giá khi bán vào Mỹ, khó cạnh tranh với xe Đức, xe Mỹ.
Ngoài ra, khoản ưu đãi 146 triệu USD tiền thuế trong 10 năm mà chính quyền bang Kentucky dành cho Lexus cũng là động lực lớn cho kế hoạch đặt nhà máy trở thành hiện thực.
Với khách hàng, việc Lexus sản xuất tại Mỹ sẽ đảm bảo nguồn cung luôn ổn định, hạ giá bán ra, mang tới lợi thế so với đối thủ. Bên cạnh nhà máy tại địa phương, chiến lược đa dạng hóa mẫu xe ở nhiều phân khúc, đổi mới thiết kế và nâng cao công nghệ là những thứ mà hãng xe sang Nhật đang làm để cố gắng không tụt hậu. Nhưng chính người Đức đã áp dụng những điều này từ trước, nên khó khăn vẫn còn đó cho không chỉ Lexus mà cả những thương hiệu xe sang khác của Nhật là Acura hay Infiniti trên đất Mỹ.
Ngoài bản thân mình, ngoài thị trường Nhật, Lexus mở rộng niềm tin vào Mỹ, dù niềm tin là trọn vẹn hay bắt buộc.