Dài 55 km với tốc độ tối đa 120 km/h, cao tốc TP HCM – Long Thành – Dầu Giây được đánh giá có ý nghĩa rất lớn trong việc kết nối TP HCM với các tỉnh Đông Nam Bộ và Tây Nguyên.
“Tuyệt quá, tôi sẽ chỉ mất gần một tiếng rưỡi để đến Vũng Tàu“, anh Nguyễn Ngọc Sơn nhà ở quận 5, TP HCM, nói về cao tốc TP HCM – Long Thành – Dầu Giây sẽ thông xe toàn tuyến vào ngày 8/2.
Dài 55 km, tốc độ tối đa 120 km/h, cao tốc hiện đại nhất nước này được đánh giá là có ý nghĩa rất lớn trong việc kết nối TP HCM với các tỉnh Đông Nam Bộ và Tây Nguyên. Khi đó, ôtô từ TP HCM đi Long Thành chỉ còn 20 phút, đi Vũng Tàu mất một giờ 20 phút và đi Dầu Giây chỉ còn một giờ
Trước đây, từ TP HCM đi Vũng Tàu người dân phải mất hơn 2 giờ để đi hết đoạn đường dài 120 km bởi giao thông tại khu vực Ngã ba Vũng Tàu thường xuyên ùn tắc. “Xe đông quá, nhất là container nên riêng đoạn TP HCM đến bò sữa Long Thành đã hết hơn một giờ, tâm trạng rất mệt mỏi”, anh Sơn nói.
Ngoài cách đi theo xa lộ Hà Nội rồi rẽ vào quốc lộ 51 về Vũng Tàu, người Sài Gòn còn có lựa chọn khác để “né” kẹt xe tại Ngã ba Vũng Tàu là đi qua phà Cát Lái, về đến Nhơn Trạch (Đồng Nai) rồi vòng ra lại quốc lộ 51. Với lộ trình này, đoạn đường được rút ngắn khoảng 10 km nhưng lại mất thời gian chờ qua phà. Chưa kể trong các dịp lễ Tết, ôtô phải xếp hàng hơn 2 km, chờ cả tiếng mới qua được phà.
Trong khi đó, anh Hải – tài xế một hãng xe lớn chạy tuyến TP HCM – Đà Lạt (Lâm Đồng) cho hay, đoạn đường từ thành phố đến Dầu Giây (Đồng Nai) chỉ dài 70 km nhưng mất gần 3 tiếng. “Chưa kể đoạn từ Suối Tiên đến Ngã ba Vũng Tàu hay bị ùn tắc. Đoạn qua TP Biên Hòa, huyện Trảng Bom (Đồng Nai) dân cư rất đông, xe máy thường băng ngang đường nên ôtô phải chạy rất chậm”, anh Hải nói.
Được khởi động từ năm 2009, cao tốc TP HCM – Long Thành – Dầu Giây với tổng mức đầu tư lên đến 20.630 tỷ đồng được chia thành 2 đoạn. Đoạn đầu từ nút giao An Phú đến Long Thành – Đồng Nai – dài 23,9 km đi qua quận 2, 9 (TP HCM); huyện Nhơn Trạch và Long Thành (Đồng Nai). Đoạn còn lại từ Long Thành đến Dầu Giây dài 31,1 km đi qua huyện Long Thành; Cẩm Mỹ và Thống Nhất thuộc tỉnh Đồng Nai.
Là một trong những người dân bị ảnh hưởng bởi dự án, bà Lê Thị Hồng Vân, ấp 94, xã Xuân Thạnh, huyện Thống Nhất (Đồng Nai) cho biết, bà có nửa sào đất bị giải phóng mặt bằng để làm đường. “Khi nghe chủ trương xây dựng đường cao tốc tôi rất ủng hộ vì có thêm đường xá thì xe cộ đi lại sẽ nhanh hơn, thuận tiện hơn”, bà Vân nói và cho biết bà được bồi thường hơn 100 triệu đồng.
Cũng bị giải tỏa gần 3 sào đất thổ cư và nông nghiệp để làm đường cao tốc, ông Nguyễn Văn Thành, xã Xuân Thạnh, huyện Thống Nhất cho biết đã sớm giao đất cho chủ dự án. “Tôi rất ủng hộ chủ trương làm thêm đường, nay thấy con đường đã hoàn thành và rất đẹp nên phấn khởi lắm. Tuy nhiên, nhà nước phải làm sao xây dựng thêm các tuyến đường dân sinh để người dân hai bên tuyến cao tốc này đi lại dễ hơn”, ông Thành nêu ý kiến.
Đánh giá về lợi ích do tuyến đường này mang lại, Tổng thư ký hiệp hội vận tải hàng hóa TP HCM Thái Văn Chung cho rằng cao tốc TP HCM – Long Thành – Dầu Giây là công trình giao thông rất ý nghĩa và mang lại hiệu quả kinh tế rất cao. “Tuyến đường này giúp kéo giảm cự ly cũng như thời gian cho các loại xe từ cảng Cát Lái (TP HCM) đi Bà Rịa – Vũng Tàu, các tỉnh Tây Nguyên và miền Trung rất nhiều. Đây là một phương án quy hoạch giao thông đúng đắn”, ông Chung nói.
Theo ông Chung, cả doanh nghiệp vận tải cũng như doanh nghiệp sử dụng dịch vụ vận tải đều được hưởng lợi nhờ tuyến đường này. “Tất nhiên, sử dụng đường mới, chất lượng cao hơn thì phải đóng phí. Nhưng với lợi ích do việc tiết kiệm thời gian và nhiên liệu đem lại, các doanh nghiệp vẫn chọn đi đường cao tốc”, ông Chung nói và cho biết đến nay vẫn chưa thấy doanh nghiệp nào phản ánh về mức phí mà chủ đầu tư đang thu.
Tuy nhiên, theo ông Chung có một vấn đề mà các doanh nghiệp vận tải chưa hài lòng là việc đặt trạm thu phí ngay giữa tuyến đường có vẻ không phù hợp vì ôtô vừa đổ dốc cầu Long Thành với tốc độ cao thì phải bất ngờ giảm tốc để đóng phí ở trạm Long Phước. “Thông thường phải đặt trạm thu phí ở đầu hoặc cuối tuyến đường. Về lâu dài chủ đầu tư nên nghiên cứu để bố trí trạm ở vị trí phù hợp hơn”, vị Tổng thư ký hiệp hội vận tải hàng hóa TP HCM đề nghị.
Đồng quan điểm, ông Đặng Trọng Hiền, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Vận tải Phương Trang – cho biết, tuyến cao tốc này có ý nghĩa rất lớn trong việc tiết kiệm thời gian cũng như chi phí xăng dầu.
Theo ông Hiền, không chỉ phía doanh nghiệp phấn khởi mà người dân cũng hài lòng vì mất ít thời gian hơn. Ngoài ra, việc đưa đường cao tốc vào thông xe cũng bảo đảm an toàn hơn vì ôtô có đường giành riêng với tốc độ cao, không còn phải chạy chung với xe máy. “Đường chất lượng hơn thì đi kèm với đó là chi phí, song với lợi ích của việc tiết kiệm thời gian và nhiên liệu thì các doanh nghiệp vận tải vẫn sẵn sàng đóng phí để đi đường chất lượng, tất nhiên mức phí phải hợp lý”, vị Phó giám đốc cho biết.
Trong khi đó, Thạc sĩ Phạm Sanh (Giảng viên Đại học Giao thông Vận tải) cũng cho rằng, cao tốc TP HCM – Long Thành – Dầu Giây mở ra đúng lúc và tính hiệu quả rất cao vì từ TP HCM ra các tỉnh miền Trung và miền Bắc hiện chỉ có tuyến đường duy nhất là quốc lộ 1. Trong đó đoạn qua Hố Nai, Biên Hòa (Đồng Nai) thường xuyên bị kẹt cứng. “Ngoài việc rút ngắn khoảng cách và thời gian nhanh hơn, cao tốc này còn giúp giảm ùn tắc và tai nạn trên quốc lộ 1, nhất là đoạn đi qua địa bàn tỉnh Đồng Nai, nơi có mật độ dân cư rất lớn”, ông Sanh cho biết.
Tuy nhiên, theo ông Sanh, vì cao tốc với 55 km đi qua địa bàn hai tỉnh nên lợi ích mà tuyến đường này mang lại chủ yếu là tăng tính kết nối giao thông. Còn để trở thành động lực cho nền kinh tế phát triển thì phải kết nối cao tốc này với Dầu Giây – Phan Thiết – Nha Trang rồi lên Đà Lạt để hoàn thiện hệ thống cao tốc của cả nước. “Tất cả đều đã được quy hoạch rồi, vấn đề là khi nào chúng ta mới làm được thôi”, ông Sanh nói.
Bên cạnh đó, vị chuyên gia giao thông cũng cho rằng để cao tốc TP HCM – Long Thành – Dầu Giây phát huy hiệu quả trọn vẹn hơn, chủ đầu tư cùng Sở GTVT TP HCM cần tính toán để đường vào tuyến đường này dễ hơn vì hiện nay có rất nhiều hướng vào nhưng còn khá rối, làm nhiều người lúng túng. Đồng thời, nghiên cứu làm thêm đường song hành cho xe 2 bánh đi để phát huy hiệu quả được nhiều hơn. “Hiện nhà cửa, dân cư chưa bám đầy hai bên đường cao tốc nên tôi nghĩ việc xây dựng những con đường dân sinh không phải là quá khó”, vị Thạc sỹ chuyên ngành giao thông cho hay.