Một nghiên cứu mới đây cho thấy việc chuyển nhà gây ra tâm lý buồn chán, lo âu và có thể khiến trẻ em thường có suy nghĩ tiêu cực là: Tự tử.
Theo kết quả của cuộc nghiên cứu này, những trẻ chuyển nhà nhiều hơn 3 lần có xu hướng tự tử cao hơn. Nguyên nhân là do khi chuyển nhà, trẻ phải rời bỏ môi trường sống vốn đã quen thuộc và mất liên lạc với những người bạn đã từng gắn bó, cộng với việc khi bố mẹ bận rộn chuyển chỗ ở, trẻ cũng ít được quan tâm hơn. Những điều này gây ra tâm lý buồn chán, lo âu ở trẻ và khiến chúng cảm thấy mình bị bỏ quên, từ đó có xu hướng tìm cái chết để giải tỏa tâm lý.
Nhóm các nhà nghiên cứu của trường Đại học Aarhus, Đan Mạch, đã tìm hiểu tất cả những trẻ sinh từ năm 1978 đến 1995 và nhận thấy có 4.160 trẻ đã tìm cách tự tử khi đang ở độ tuổi 11 – 17, trong đó có 79 trường hợp đã thành công.
Những trẻ tìm cách tự tử thường là chuyển nhà nhiều hơn so với những trẻ không có ý định tự tử. Cũng trong thống kê của cuộc nghiên cứu này, hơn một nửa số trẻ tự tử đã chuyển nhà trên hơn 3 lần so với 1/3 trẻ không mạo hiểm cuộc sống của mình. 7% số trẻ tự tử đã di chuyển nhà trên 10 lần so với gần 2% nhóm trẻ có thể kiểm soát bản thân.
Các nhà nghiên cứu còn chỉ ra, ngoài việc chuyển nhà, còn có một số nguyên nhân khác có thể giải thích cho hành vi tự tử ở trẻ như nơi sinh và sức khỏe tâm lý của bố mẹ.
Người dẫn đầu cuộc nghiên cứu này, Ping Qin, viết: “Mối liên hệ với bạn bè bị cắt đứt, các hoạt động tập thể, cộng đồng không còn được tiếp tục, sự buồn chán và lo âu liên quan đến môi trường mới là những thứ tác động đến tâm lý của trẻ. Nếu những việc này xảy ra thường xuyên, có thể trẻ sẽ cảm thấy stress và bị ảnh hưởng về tâm lý. Một khi cảm thấy không vượt qua được những phiền muộn về tâm lý đó, trẻ sẽ có ý định tự”.
“Trẻ có thể sẽ cảm thấy bị bỏ quên và không có ai để trò chuyện, vui chơi. Ở một khía cạnh nào đó, hành vi tự tử này đã rung một hồi chuông cảnh báo các ông bố bà mẹ cần quan tâm đến con cái nhiều hơn”. “Mặc dù chúng ta không thể khẳng định chắc chắn việc chuyển chỗ ở thường xuyên là một nguyên nhân đáng lo ngại nhưng những phát hiện mới của cuộc nghiên cứu này cũng cho thấy tầm quan trọng của việc ổn định cuộc sống đối với tâm lý của trẻ”.