Có số dư hàng nghìn tỷ song việc Quỹ bình ổn xăng dầu đứng ngoài đợt tăng giá vừa qua được cơ quan điều hành lý giải là động thái dự phòng cho những biến động lớn hơn.
Cuối tuần trước, Liên bộ Công Thương – Tài chính đã có văn bản cho phép doanh nghiệp xăng dầu đầu mối tăng giá bán lẻ xăng dầu ở mức 290-620 đồng mỗi lít, sau khi thị trường năng lượng thế giới có dấu hiệu ấm lên trong khoảng 2 tuần gần đây.
Cùng với việc tăng giá bán, cơ quan điều hành tiếp tục yêu cầu doanh nghiệp thực hiện tính giá cơ sở với mức trích Quỹ bình ổn 300 đồng trên mỗi lít xăng, theo tinh thần Nghị định 83. Tuy nhiên, văn bản lại không đề cập đến việc sử dụng quỹ này, vốn đang được giữ ở mức 0 đồng trong suốt giai đoạn giá xuống từ đầu tháng 7 đến nay.
Trong khi đó, theo số liệu được công khai trước đó, sau khi được dùng ở mức kỷ lục 1.047 đồng mỗi lít trong khoảng hơn 10 ngày cuối tháng 6, tính đến trước ngày 1/7, Quỹ bình ổn tại các doanh nghiệp còn dư gần 1.800 tỷ đồng. Đến ngày 4/7, trong đợt giảm giá sau đó, mức sử dụng được giảm xuống còn 527 đồng một lít và đã ngừng hẳn kể từ 20/7.
Như vậy từ tháng 7 đến nay, áp lực đối với Quỹ bình ổn xăng dầu đã giảm dần. Công cụ này thậm chí còn được tích lũy thêm nhờ việc trích đều đặn 300 đồng trên mỗi lít xăng dầu bán ra. Điều này khiến dư luận đặt câu hỏi về việc sử dụng công cụ vốn được thiết kế với chức năng bình ổn giá khi thị trường có dấu hiệu đi lên.
Giải thích về quyết định này, một đại diện Bộ Công Thương trong tổ điều hành giá xăng dầu vừa qua được đưa ra trong điều kiện giá xăng dầu thế giới biến động bình thường, mức điều chỉnh cũng không lớn. Trong khi đó, mục đích của Quỹ bình ổn là để ổn định thị trường khi có biến động mạnh về giá hay điều kiện kinh tế có những dấu hiệu đáng lo ngại (xu hướng giá còn có thể tăng cao, lạm phát lớn…).
“Cho nên, trong tình hình kinh tế vĩ mô đang rất ổn định, lạm phát thấp, không lý gì lại dùng quỹ bình ổn mà không tăng giá để bám sát thị trường thế giới”, ông nói. Quan điểm này cũng được một đại diện khác đến từ Bộ Tài chính chia sẻ.
Một lý do khác cũng được lãnh đạo Bộ Công Thương đưa ra là với số dư gần 1.800 tỷ đồng đến cuối quý II, trên thực tế, Quỹ bình ổn không phải ở tình trạng quá dư giả. “Kinh nghiệm nhiều lần cho thấy khi giá thế giới lên cao, quỹ có vài ba nghìn tỷ thì chỉ xả trong một thời ngắn là đã có thể âm, nên đừng nghe con số 1.800 tỷ mà nói là số dư lớn”, ông nói thêm.
Trao đổi với VnExpress, Tiến sĩ Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược và chính sách cùng cho rằng không nên dùng quỹ trong điều kiện không có gì căng thẳng. “Chúng ta đang đặt mục tiêu điều hành theo tín hiệu thị trường, việc dùng quỹ là để Nhà nước can thiệp khi có dấu hiệu đáng lo ngại nên trong bối cảnh hiện nay tăng giá theo thị trường thế giới là điều nên làm”, Tiến sĩ Hồ nêu quan điểm.
Theo chuyên gia này, thị trường thế giới còn được dự báo khó lường, nên giữa lúc giá xăng dầu đang xuống thấp thì việc trích quỹ “để dành” khi giá tăng cao trở lại là điều cần làm, một khi còn giữ cách điều hành bằng quỹ. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng về lâu dài, nên xem xét lại phương pháp can thiệp này.
Chia sẻ quan điểm này, Tiến sĩ Nguyễn Thị Hiền – nguyên thành viên Ban nghiên cứu của Thủ tướng cũng cho rằng, việc lạm dụng Quỹ bình ổn giá về lâu dài rất dễ làm mất đi tính tự nhiên của thị trường, và có thể sẽ là nút thắt trong nỗ lực đưa giá xăng dầu vào cơ chế chung với các mặt hàng khác.