Đọc bài viết Nỗi sợ đi xe máy ở Việt Nam, tôi thấy có những bình luận cho rằng rất khó thay đổi tình hình này dù nhiều năm về sau nữa. Nhưng tôi cho rằng không đúng, tất cả đều có thể thay đổi, khi mỗi bố mẹ nhận thức được điều đúng đắn. Thế hệ của chúng ta đã sai, không thể để sai cả những thế hệ về sau.
Đành rằng như nhiều bạn nói, ý thức hình thành dựa trên vật chất, không thể đòi hỏi ai cũng đứng chờ đèn đỏ ngay ngắn, không nhảy lên vỉa hè trong khi đường sá chật chội, các biện pháp xử phạt chưa nghiêm minh. Nhưng nếu có ý thức giao thông thành hệ thống, những vấn đề khác sẽ dễ dàng giải quyết.
Từng có lần tôi nghe cậu con trai nhắc nhở “Bố ơi, sao bố lại vượt đèn đỏ”, rằng ở trường cô con dạy phải dừng lại khi đèn chuyển sang vàng rồi đỏ, nếu chạy qua là vi phạm pháp luật, không phải là người tốt.
Hôm đó tôi có cái hẹn ăn tối bàn công việc lúc 7 giờ với khách hàng. Đến 6 giờ chiều định về qua nhà rồi đi, thì bất ngờ vợ báo có việc bận đột xuất ở cơ quan, không đi đón con được, nên tôi đi đón thay.
Trên đường về nhà, tôi rất sốt ruột, vì đây là khách nước ngoài, nếu tới trễ ngay lần đầu gặp mặt thì thật không có ấn tượng tốt. 6 giờ 30 phút, tôi vừa lái xe vừa liên tục liếc nhìn đồng hồ, từ xa thấy đèn xanh đếm 4,3,.. tôi vội dúi mạnh chân ga, nhưng xe tới ngã tư thì đèn đã chuyển vàng, chuẩn bị sang đỏ. Bất chấp tôi vượt liều.
Cậu con trai 8 tuổi vốn thích quan sát đường phố khi bố lái xe, liền nhắc nhở ngay về hành vi này của bố. Tôi phải xin lỗi con và giải thích cho cu cậu hiểu. Hôm đó tôi đến nơi hẹn vẫn sớm 10 phút. Nếu không vượt đèn đỏ, thì tôi vẫn đến sớm 9 phút.
Nhiệm vụ giáo dục luật lệ an toàn giao thông chúng ta giao cho nhà trường, nhưng để duy trì và trở thành nề nếp, ý thức cho các con, thì phụ huynh phải là người làm gương trước tiên.
Trước mỗi lần vượt đèn đỏ, hay vi phạm an toàn giao thông, các tài xế hãy nghĩ, liệu con mình sau này có thế không?