Tăng năng lực hạ tầng, tổ chức giao thông, đổi giờ và đặc biệt hạn chế ôtô lưu thông vào giờ cao điểm là ý kiến của TS Đinh Thị Thanh Bình, Trưởng bộ môn Quy hoạch Quản lý giao thông vận tải (Đại học Giao thông Vận tải), nhằm giảm ùn tắc ở Hà Nội.
– Nguyên nhân của tình trạng ùn tắc giao thông gia tăng trên địa bàn Hà Nội thời gian gần đây là gì, thưa bà?
– Có rất nhiều nguyên nhân trong đó có công tác quản lý thực hiện quy hoạch còn bất cập. Ví dụ việc xây dựng nhiều khu đô thị cao tầng làm phát sinh nhu cầu đi lại trong khi năng lực phục vụ của hạ tầng giao thông chưa phát triển. Sự manh mún, thiếu đồng bộ trong thực hiện các dự án cải thiện năng lực hạ tầng giao thông vận tải làm khó phát huy hết hiệu quả, hoặc chỉ giải quyết được cục bộ, đẩy ùn tắc “di dời” sang vị trí khác. Cùng với đó là vận tải hành khách khối lượng lớn chưa xây dựng xong nên 90% số chuyến đi vẫn phụ thuộc phương tiện cá nhân…
Nhiều nguyên nhân từ phía quản lý nhưng cũng phải nhìn lại ý thức của người dân bởi việc lấn chiếm lòng, lề đường để buôn bán, đậu xe… làm giảm năng lực hạ tầng giao thông, cản trở tầm nhìn và lưu thông.
Hà Nội và TP HCM có độ nhạy cảm về giao thông khá cao. Tại khu vực lõi đô thị, nếu lưu lượng giao thông chỉ tăng thêm 5% có khi đã gây tắc nghẽn, trong khi các khu vực xa hơn có thể tăng 20-30% vẫn chưa ùn tắc. Do đó trước khi phê duyệt một dự án phát triển khu đô thị mật độ cao từ vành đai 3 Hà Nội, chính quyền cần nghiên cứu tác động của dự án đến tình trạng giao thông để có biện pháp giảm thiểu tác động tiêu cực trong cả giai đoạn thi công và khai thác dự án.
– Bà nhìn nhận thế nào về tình trạng ùn tắc trên hai tuyến huyết mạch Nguyễn Trãi và Xuân Thủy – Cầu Giấy trong thời gian gần đây?
– Ùn tắc giao thông xảy ra vào giờ cao điểm trên hai trục hướng tâm vào thành phố là Nguyễn Trãi và Cầu Giấy – Xuân Thủy ngày càng nghiêm trọng do đang thi công đường sắt đô thị. Mặt đường các tuyến này đã bị rào một phần làm giảm đáng kể năng lực phục vụ.
Trục Nguyễn Trãi hiện đã dỡ bỏ hầu hết rào chắn, chỉ còn rào tại điểm xây dựng ga. Tương lai gần tuyến đường sắt đô thị số 2 sắp hoàn thành, việc dỡ bỏ rào sẽ loại bỏ tình trạng nút cổ chai tại điểm này và sẽ giảm được ùn tắc giao thông.
Tuy nhiên, trên trục Nhổn – Xuân Thủy – Cầu Giấy theo khảo sát tháng 7/2014 vào giờ cao điểm sáng (7-8h) có trên 13.000 xe máy, khoảng 750 ôtô con, 370 taxi và 60 xe buýt lưu thông, tức là khoảng 3.900 xe con quy đổi hoạt động một hướng trong mỗi giờ. Đường Xuân Thủy chỉ có 2 làn xe cơ giới, một làn xe thô sơ mỗi chiều. Sau khi rào chắn để thi công tuyến đường sắt đô thị số 3 thì mỗi hướng đã bị mất một làn xe cơ giới nên chỉ đáp ứng được khoảng 60-70% lưu lượng.
Thời gian tới, trục Nhổn – Xuân Thủy – Cầu Giấy sẽ ùn tắc nghiêm trọng hơn nếu không áp dụng các giải pháp tổ chức quản lý giao thông hợp lý. Nguyên nhân là lượng phương tiện cá nhân tiếp tục tăng trong khi mặt đường bị quây lô cốt.
– Theo đánh giá của bà, bức tranh giao thông thủ đô Hà Nội trong 2-3 năm tới sẽ ra sao?
– Khó thực hiện được quy hoạch tập trung việc làm, nhà ở, dịch vụ công cộng vào cùng một phân khu đô thị nhằm hạn chế số chuyến đi xuyên thành phố. Xu thế phân tán việc làm với nơi ở sẽ vẫn tiếp tục và phân tán rộng hơn song hành với quy mô mở rộng không gian đô thị. Số lượng chuyến đi và chiều dài chuyến đi có xu thế tăng lên. Cùng với việc di dời một số cơ quan hành chính, giáo dục đào tạo thì Hà Nội có thể trở thành một đô thị đa trung tâm trong tương lai.
Theo kế hoạch đến năm 2020 thì Hà Nội mới có 2 tuyến đường sắt đô thị và tuyến buýt nhanh BRT. Nếu đúng tiến độ thì mới chỉ cải thiện được giao thông trên hành lang phía tây và tây nam. Nhưng các tuyến đường sắt đô thị khó phát huy được hết năng lực do chưa phát triển được thành một mạng lưới vận tải đa phương thức hoàn chỉnh. Trên các hành lang giao thông khác vẫn chỉ có xe buýt là phương tiện chủ lực dẫn đến sự không đồng bộ về năng lực cung theo không gian đô thị.
Hạ tầng đường bộ tiếp tục được cải thiện như tuyến vành đai 2 sẽ giải quyết ùn tắc giao thông khu vực lân cận hành lang này. Tuy nhiên do nhu cầu phương tiện vẫn tiếp tục tăng nên toàn cảnh là ùn tắc giao thông sẽ được cải thiện dần nhưng không có đột phá.
– Hà Nội nên làm gì để giảm ùn tắc?
– Các chính sách quản lý giao thông luôn hướng đến việc cân bằng “cung-cầu”. Song song với việc tăng năng lực hạ tầng thì cần tổ chức giao thông như làm thông thoáng lòng lề đường, giải tỏa chiếm dụng; thiết kế tổ chức giao thông tốt hơn (phân luồng, làn), tăng cường cảnh sát tại các điểm hay ách tắc…
Đặc biệt, tôi cho rằng cần lưu ý quản lý sử dụng xe ôtô. Theo khảo sát, một xe máy trung bình chở được 1,23 người, ôtô cá nhân chở 1,9 người trong khi đó một ôtô chiếm dụng đường gấp 5-6 lần xe máy, chưa kể ôtô kích thước lớn kém linh hoạt càng cản trở giao thông. Do vậy, một số trục đường thường xuyên ùn tắc như Hồ Tùng Mầu – Xuân Thủy – Cầu Giấy nên xem xét hạn chế ôtô lưu thông vào giờ cao điểm. Nếu hạn chế ôtô cá nhân vào giờ cao điểm trên trục này thì có khoảng 700-800 người bị ảnh hưởng nhưng chỉ chiếm 6%, tỷ lệ là nhỏ so với số lượng người đi xe máy là 66% và 22% người đi xe buýt.
Một giải pháp mà Hà Nội từng thực hiện mà tôi cho rằng nên tiếp tục khuyến khích là “đổi giờ học giờ làm”. Việc đổi giờ học giờ làm nhằm giãn bớt lưu lượng giao thông vào giờ cao điểm, từ đó có thể giảm được ùn tắc giao thông. Việc phân bố các cơ quan công sở, trường phổ thông, trường đại học, các khu dân cư và khu đô thị mới… không giống nhau dẫn đến việc phát sinh và thu hút các chuyến đi theo mục đích rất khác nhau. Nếu áp dụng đồng loạt cùng một giờ đi học – về nhà và đi làm cho toàn bộ các quận thì không hiệu quả bằng việc lập phương án đổi giờ riêng cho từng khu vực theo đặc thù về vị trí trường học, cơ quan công sở nằm trong diện đối tượng đổi giờ.
Các cơ quan, doanh nghiệp nên điều chỉnh giờ làm việc tránh phát sinh nhiều chuyến đi giờ cao điểm, đặc biệt là các cơ quan nằm gần trục đường thường xuyên ùn tắc. Giám đốc cơ quan, doanh nghiệp có thể linh động áp dụng giờ làm việc với từng bộ phận, bộ phận nào cần giao dịch nhiều có thể làm việc theo giờ hành chính song phần lớn nên làm lệch giờ ít nhất 30-60 phút.