Canada và Mexico đã ra tín hiệu mở cửa thị trường ôtô Bắc Mỹ cho nhiều linh kiện sản xuất tại châu Á, Reuters trích nguồn tin thân cận cho biết.
Đại diện 12 nước tham gia đàm phán Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang nhóm họp tại Atlanta (Mỹ), nỗ lực hoàn tất thỏa thuận ngay trong tuần này. Trưởng đoàn đàm phán các nước đã họp trong 4 ngày, từ 26 đến 29/9. Ngày 30/9 và 1/10 sẽ là cuộc họp của cấp Bộ trưởng.
Mục tiêu của TPP là giảm rào cản thương mại và thiết lập tiêu chuẩn chung giữa 12 quốc gia, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, việc đàm phán đã kéo dài 5 năm và hiện còn bế tắc tại một số lĩnh vực, gồm mở cửa thị trường ôtô, sữa và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ với dược phẩm.
Vấn đề ôtô được Nhật Bản đặc biệt coi trọng, khi các hãng sản xuất lớn của nước này phụ thuộc vào thị trường Mỹ và muốn TPP linh hoạt trong việc chấp thuận nguồn gốc các linh kiện.
Trong khi đó, nhờ lợi thế gần Mỹ, chi phí nhân công thấp và tham gia Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA), Mexico đã trở thành nhà cung cấp ôtô và linh kiện ôtô chính cho thị trường Mỹ. Vòng đàm phán hồi tháng 7 đã thất bại sau khi quan chức Mexico phản đối đề nghị từ Nhật Bản và Mỹ về “quy định nguồn gốc” – yếu tố quyết định liệu chiếc xe đó có được miễn thuế nhập khẩu hay không.
Quan chức Mexico và Canada muốn xe hơi được miễn thuế trong TPP phải có ít nhất 45% thành phần xuất phát từ các nước trong khối, nguồn tin của Reuters cho biết. Trong khi đó, Nhật Bản muốn ngưỡng này chỉ là 32,5%.
Trong NAFTA, quy định này cũng khá phức tạp. Linh kiện ô tô phải có ít nhất 60% xuất xứ nội khối và ôtô hoàn chỉnh phải là 62,5% thì mới được miễn thuế. Những quy định này đã giúp thổi bùng làn sóng đầu tư vào ngành ôtô tại Mexico từ thập niên 90. Quan chức Mexico cũng muốn mang chuẩn mực tương tự vào TPP.
Tuy nhiên, việc nới lỏng các quy định, như đang được cân nhắc tại Atlanta, có thể cho phép các hãng xe linh hoạt hơn khi mua linh kiện giá rẻ từ các hãng sản xuất châu Á. Và việc này, theo quan chức Mexico, sẽ ảnh hưởng đến các nhà cung cấp nước họ.
Việc này cũng sẽ khiến TPP nhận thêm nhiều chỉ trích từ các công đoàn Mỹ và các nghị sĩ Đảng Dân chủ trong Quốc hội – những người luôn thúc giục TPP phải giữ nguyên chuẩn mực như trong NAFTA.
Hoàn tất TPP cũng có nghĩa Mỹ sẽ phải gỡ bỏ thuế nhập khẩu 2,5% với xe Nhật và 25% với xe tải. Các hãng sản xuất linh kiện ôtô tại Mỹ và Mexico thì đòi hỏi tỷ lệ sản xuất nội khối phải là ít nhất 50%.
Dù vậy, Bộ trưởng Thương mại Australia – Andrew Robb cho biết 12 nước vẫn đang thảo luận các vấn đề chi tiết tại Atlanta, và cam kết sẽ cố gắng hoàn tất thỏa thuận trong tuần này. “Tất cả đại diện các nước đều ý thức được họ đến đây để kết thúc chuyện này”, ông nói. Thủ tướng New Zealand – John Key và Bộ trưởng Thương mại Nhật Bản – Akira Amari đều nhận thấy có cơ hội tốt để hoàn tất thỏa thuận.
Khi bầu cử Tổng thống tại Mỹ được ấn định vào tháng 11/2016, và một số thành viên Quốc hội vẫn phản đối TPP, hoàn tất hiệp định này trong năm nay là điều cần thiết. “Cánh cửa hoàn tất TPP đang dần đóng lại. Anh chẳng thể nói TPP không thể hoàn thành nếu không được ký tại Atlanta. Nhưng việc này đang ngày càng khó”, ông Key nhận xét.
Các lãnh đạo TPP có lịch tham gia Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương (APEC) tại Philippines vào giữa tháng 11. Key cho biết đây sẽ là “cơ hội cuối cùng của năm 2015”, sau 5 năm đàm phán TPP.
TPP được đàm phán từ tháng 3/2010, gồm 12 quốc gia – Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Mỹ và Việt Nam. Các vấn đề được nêu ra trong hiệp định gồm quyền sở hữu trí tuệ, luật đầu tư nước ngoài, tiêu chuẩn môi trường và lao động, chính sách thu mua, cạnh tranh và công ty quốc doanh, quy trình xử lý tranh chấp. TPP sẽ bao phủ 40% kinh tế toàn cầu và được dự báo bổ sung cho GDP thế giới thêm gần 300 tỷ USD mỗi năm. Cuối tháng 7, cuộc họp cấp bộ trưởng 4 ngày tại Hawaii dù được kỳ vọng cao vẫn chưa thể giúp 12 nước đi đến thỏa thuận cuối cùng. Dù vậy, các nước cho biết đã đạt tiến triển đáng kể, và các bên cũng đã thống nhất phần lớn vấn đề quan trọng. |