Tiêu chuẩn hàng hóa không khắt khe như EU và Mỹ, người dân chuộng sản phẩm tiêu dùng từ châu Á, trong đó có Việt Nam, Nga đang là thị trường hướng đến của không ít doanh nghiệp trong nước.
Doanh nghiệp tư nhân Minh Trang chuyên sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ (Ninh Bình) đang tất bật với kế hoạch thuê mặt bằng tại tổ hợp Tổ hợp đa chức năng Hà Nội – Matxcơva làm đại lý phân phối tại Nga. Lần đầu tiên tiếp cận thị trường mới, song lãnh đạo doanh nghiệp lại rất am hiểu về xứ sở bạch dương nhờ có nhiều bạn bè, đối tác đã định cư và làm ăn lâu năm tại đây. Bởi vậy vị này rất hào hứng khi nhận định cơ hội làm ăn tại Nga.
Nga hiện có hơn 140 triệu dân số, thu nhập bình quân trên 18.000 USD mỗi năm, là nền kinh tế thứ 8 của thế giới, song công nghiệp nhẹ của Nga chưa được chú trọng phát triển, vì vậy, phần lớn hàng tiêu dùng đều phải nhập khẩu.
Theo vị này, thị trường Nga rất ưa chuộng sản phẩm tiêu dùng đến từ các nước Châu Á do giá cả hợp lý, mẫu mã lạ mắt, chủng loại phong phú. Đặc biệt có nhiều người Việt sinh sống và làm việc tại các thành phố lớn. Nhờ đó, các doanh nghiệp có thể tận dụng hệ thống phân phối hàng tiêu dùng của cộng đồng người Việt Nam để mở rộng mạng lưới tiêu thụ sản phẩm, trong đó có sản phẩm thủ công mỹ nghệ.
Việt Nam và Liên bang Nga hiện đang là đối tác chiến lược. Những năm qua, quan hệ thương mại song phương của cả hai đều có bước phát triển. Bộ Công Thương cho biết nếu năm 2011, trao đổi thương mại giữa hai nước vào khoảng 2,5 tỷ USD, thì năm 2013 là hơn 3 tỷ USD. Năm 2014, kim ngạch thương mại đạt 3,7 tỷ USD. Trong ASEAN, Việt Nam đang là bạn hàng lớn nhất của Nga. Chính phủ hai nước đã thống nhất một số biện pháp để kim ngạch thương mại có thể đạt 10 tỷ USD vào năm 2020.
Việc ký kết Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á – Âu (EEU) hôm 29/5 vừa qua, quan hệ thương mại song phương hai nước tiếp tục được nâng lên tầm cao mới. Với lộ trình cắt giảm và xóa bỏ hàng rào thuế quan, các mặt hàng xuất khẩu thế mạnh của Việt Nam như: dệt may, da giày, đồ gỗ, thủy sản, nông sản, thủ công mỹ nghệ…có cơ hội thâm nhập vào thị trường Nga và khu vực EEU.
Ngoài ra, kênh thanh toán song phương bằng đồng Rúp và VNĐ trong thỏa thuận hợp tác ký giữa Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và Ngân hàng Ngoại thương Nga (VTB) hôm 7/4, sẽ góp phần thúc đẩy thanh toán bằng nội tệ trong thương mại hai bên.
Nhằm tận dụng những thuận lợi do hiệp định FTA mang lại cho doanh nghiệp hai nước, cuối năm nay, Hội chợ – Bán hàng Việt Nam chất lượng cao sẽ diễn ra tại Tổ hợp đa chức năng Hà Nội-Matxcơva.
Ông Trương Việt Bình, Chủ tịch HĐQT Công ty Thời trang NEM cho biết doanh nghiệp đang tìm hướng xuất khẩu sang thị trường Nga. Qua nhiều lần khảo sát, ông nhận thấy Tổ hợp Đa chức năng Hà Nội – Matxcơva là cầu nối giúp doanh nghiệp Việt thâm nhập được thị trường. Do đó, ông có kế hoạch thuê 500 m2 mặt bằng tại đây làm showroom trưng bày sản phẩm.
Thứ trưởng Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết hiện đã có khá nhiều dự án của doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào thị trường Nga, song vẫn còn khiếm tốn so với tiềm năng nhất là hàng dệt may, da giày. Thời gian tới, doanh nghiệp Việt Nam nên xem xét đầu tư vào thị trường. Sự kiện vào tháng 11-12 tới đây sẽ là cơ hội để doanh nghiệp Việt trực tiếp nghiên cứu thị hiếu người tiêu dùng Nga, giới thiệu sản phẩm và tìm kiếm các đối tác.
Bà Lê Hà Phương – Trưởng phòng Sales-Marketing Công ty Cổ phần Đầu tư Trung tâm thương mại Hà Nội – Matxcova đánh giá ngành công nghiệp nhẹ cũng như hệ thống phân phối chưa phát triển mạnh của Nga sẽ là cơ hội cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt là đồ gỗ, nội thất, may mặc… Tuy nhiên, bà Phương cho rằng khoảng cách địa lý xa cộng với thủ tục pháp lý rắc rối, hiểu biết hạn chế về thi trường sẽ là rào cản cho doanh nghiệp đặt chân đến thi trường này. “Nga khác nhiều nước về tập quán tiêu dùng nên phải bỏ công tìm hiểu thị trường, thủ tục về giấy tờ hải quan cũng rất rắc rối. Do đó, doanh nghiệp nên có sự kết nối với cộng đồng người Việt đang làm ăn tại đây, trong đó có Tổ hợp Đa chức năng Hà Nội – Matxcơva để biết đường đi nước bước”, vị này nói.
Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO thì lưu ý khối kinh tế Á – Âu đang là một trong những khu vực sử dụng nhiều biện pháp phòng vệ thương mại nhất, đặc biệt là Nga nên doanh nghiệp cũng cần nắm rõ luật để tránh gặp rắc rối khi hoạt động tại thị trường này.
Khu vực này đã khởi xướng điều tra và áp dụng 12 vụ phòng vệ thương mại, trong đó có 10 vụ điều tra chống bán phá giá và 2 vụ điều tra áp dụng biện pháp tự vệ. Đây chủ yếu là các mặt hàng liên quan đến thép và các sản phẩm từ thép, còn lại là hóa chất, đồ làm bếp và phương tiện vận tải.
Dù vậy, chuyên gia nhận định, hầu hết các mặt hàng tiêu dùng Việt không bị tác động nhiều, ngược lại sẽ được hưởng lợi nhiều từ FTA Việt Nam vừa ký với EEU.