Ngày trước người ta coi ôtô là tài sản giờ nhiều người chỉ xem là phương tiện, khoảng cách thương hiệu giữa các hãng cũng thu hẹp dần. Hãy chọn cái mình thích, nó là của mình.
Tôi thấy nhiều người so sánh hãng này hãng kia, chất lượng này nọ. Càng ngày khoa học và công nghệ phát triển nên khoảng cách đó đã thu hẹp dần. Xe chỉ là phương tiện đi lại, nên đừng so sánh kiểu “Toyota Altis mới – hụt hơi trước sức ép Kia K3 và Mazda3” mà hãy chọn theo khả năng của mình.
1. Do thu nhập ngày càng nâng cao, trước đây người ta xem ôtô là tài sản, bây giờ nhiều người đã xem ôtô là phương tiện chứ không còn là tài sản. Chỉ có điều là phương tiện của người nhiều tiền thì người ít tiền chỉ có nằm mơ. Chính vì cái khác biệt này mà nhiều người còn tranh luận với nhau xung quanh việc chọn thương hiệu nào, khi những người tranh luận không nằm trên cùng một vạch xuất phát. Người nhiều tiền có quan điểm khác, người có đủ khả năng khác, người ít tiền lại khác.
2. Trong một thời gian dài cái tư tưởng ăn chắc mặc bền đã in sâu vào tư tưởng người tiêu dùng Việt, xe hơi thì Toyota, xe máy thì Honda, Tivi thì Sony, điện thoại thì Nokia… Không phủ nhận rằng những thương hiệu trên cũng rất bền bỉ và chi phí sửa chửa thấp, linh kiện cũng nhiều. Bây giờ thì cái khoảng cách ấy dần dần được thu hẹp, các “phương tiện” nêu trên được sử dụng có “thời hạn” không còn là tài sản của người tiêu dùng nữa. Nó được sử dụng ngắn hạn (tùy theo loại) và thay đổi theo thời gian, ít còn ai sử dụng cả đời.
Chất lượng của các nước mới phát triển dần được nâng cao gần hoặc bằng các nước đã phát triền (ví dụ: Hàn và Nhật), các hãng trong cùng một quốc gia (ví dụ: Toyota, Honda, Mazda…) cũng ngày càng nghiên cứu kỹ càng thị hiếu tiêu dùng của từng thị trường mà có cải thiện cho phù hợp với nhu cầu khách hàng hơn (như tivi và điện thoại bây giờ khó mà nói của ai hơn ai trong cùng một phân khúc, chỉ có người nhiều tiền thì sử dụng thương hiệu sang để thể hiện đẳng cấp mà thôi).
3. Trước đây Toyota, Nokia… ngự trị thị trường Việt Nam, số lượng và doanh số nhiều dẫn đến số lượng hư hỏng và nhu cầu sửa chữa cũng nhiều vì thế mà linh kiện nhập khẩu để thay thế, sửa chửa luôn có. Tay nghề sửa chữa những thương hiệu trên cũng tinh thông do tiếp xúc thường xuyên, những hãng khác do nhập khẩu ít hoặc không có đại lý tại Việt Nam, đội ngũ kĩ thuật cũng không có…do vậy mà chi phí thay thế, sửa chửa cao hơn… Bây giờ ôtô, điện tử… thì ngoại trừ một số thương hiệu “hiếm” còn lại đều có đại lý tại Việt Nam, mua linh kiện gì mà không có, sửa chữa cái gì mà còn khó khăn như lúc trước? Và cũng có trường hợp ngoại trừ ví dụ SYM.
4. Tùy chọn (Option) cũng được nhiều bạn bàn luận, có nhiều người bảo rằng không cần, nhưng thử hỏi trên cùng một chiếc ôtô bằng giá thì bạn có chọn xe full option? Vậy thì đây là một câu trả lời rồi. Nếu đã nói là phương tiện thì phải đầy đủ tiện nghi, nhà cửa là tài sản mà còn phải đầy đủ tiện nghi cơ mà; điện thoại cơ bản hay S? Có ai không thích tiện nghi thì bảo?
Mà hễ nhiều tiện nghi thì sự cố hư hỏng càng nhiều, điều đó lại càng minh chứng rằng xe full option hư hỏng nhiều hơn xe ít tiện nghi; tôi có nhiều người bạn là thợ sửa chữa ôtô nói rằng xe hiệu Honda tầm trên dưới năm 90 thường hư hỏng phần điện nhiều hơn Toyota, ngẫm lại thấy cũng đúng vì Honda, Mazda… trang bị tiện nghi nhiều hơn Toyota và hình như bây giờ cũng vậy.
5. Vấn đề cuối cùng là khi bán lại được giá, đỡ mất giá; tất cả đều đúng vì sở hữu ôtô tốn khá nhiều tiền, đối với người nhiều tiền thì không bận tâm nhiều, nhưng với người ít tiền thì đây là vấn đề cơ bản. Nhưng với xu thế này vài năm hoặc vài mươi năm nữa thôi thì sự chênh lệch không nhiều và cũng không còn là vấn đề bận tâm chi phối sự lựa chọn.
Tóm lại, tôi muốn các bác cứ vững tin vào sự chọn lựa của riêng mình, ai thích kiểu dáng nào thì lựa chọn theo hình thức, ai muốn trải nghiệm thì chọn tiện nghi, trang bị hệ thống, đừng băn khoăn đến cái này dễ hư hơn cái khác, cái này không bền bằng cái kia, xe này khó sửa hơn xe kia, xe này bán được giá hơn xe nọ… Vì những thứ đó đều có giới hạn bằng thời gian (nếu Toyota được bán đi thì có khác gì Nokia; mà mọi thứ đều… tương đối).
Hãy mạnh dạn lựa chọn cái mình thích, nó là của mình.