Không chỉ khu vực đèo Ô Quý Hồ, Trạm Tôn mà hiện toàn thị trấn Sa Pa đã chìm trong tuyết trắng xóa với độ dày trên 5cm. Hàng đoàn khách du lịch nườm nượp đổ xô lên Sa Pa chiêm ngưỡng hiện tượng thiên nhiên kỳ thú này khiến giao thông từ Lào Cai lên Sa Pa tắc nghẽn liên tục. Riêng đoạn đường từ thị trấn Sa Pa lên Thác Bạc (quốc lộ 4D đi Lai Châu) tuyết dày từ 5 -10 cm đã gây tắc đường nhiều giờ liền khiến một số chủ xe phải để xe lại chờ tuyết tan
Việc lái xe trong trời mưa tuyết phủ trắng đường tuy thú vị nhưng tiềm ẩn rất nhiều nguy hiểm. Trước và trong khi lên đường vào vùng mưa tuyết ngắm vẻ kỳ thú của thiên nhiên cũng cần tham khảo kỹ các kinh nghiệm lái xe trong trời mưa tuyết.
Kiểm tra giày, cần gạt nước
Rũ sạch giày, kiểm tra cần gạt làm sạch kính chắn gió khi vào đường mưa tuyết. Việc giữ cho phía trong xe không có hơi nước làm mờ kính liên quan tới đôi giày của bạn khi dừng xe ngắm cảnh tuyết rơi đâu đó và vô tình mang theo lúc trở lại xe.
Chạy bình tĩnh, giữ khoảng cách xa, phanh, ga từ từ.
Kỹ thuật điều khiển xe trên đường băng tuyết nhất thiết tránh nhấn ga đột ngột trong bất kỳ tình huống nào. Mặt trường trơn trượt cũng không bảo đảm cho các cú phanh gấp, rẽ ngoặt hay tăng tốc. Với các xe có trang bị hệ thống phanh ABS thì có thể nhấn phanh dứt khoát, nhưng với xe không được trang bị thì cần nhấn phanh theo từng nhịp ngắn liên tục để giảm thiểu sự trơn trượt trên mặt đường. Khoảng cách an toàn cho các xe cùng di chuyển nên được kéo dài gấp 3 lần tình trạng đường bình thường, nghĩa là tối thiểu cách khoảng trên 15m.
Chú ý lớp băng trong lẫn màu đen nền đường
Một số đoạn đường có lớp băng mỏng đóng trên mặt đường, khác với tuyết trắng, băng có màu trong và lẫn với mặt đường màu đen (băng đen) rất khó nhận ra. Đây thực sự là một mối nguy hiểm lớn cho những tay lái non kinh nghiệm.
Lớp băng trong đóng trên mặt đường dễ khiến lái xe nhầm lẫn với màu đường. Ảnh: Autonet
Ngoài những kinh nghiệm kể trên, đối phó với đường dính băng trước hết cần lau sạch đèn pha xe. Chuyển động bằng số thấp để tăng độ bám đường. Nếu là xe hộp số tự động, thì bấm O/D OFF để xe chỉ chạy tối đa ở số 3, không lên tới số 4. Đã O/D OFF rồi, thì cũng mở Cruise để khống chế tốc độ hợp lý. Đừng quên rằng, trong vùng có băng tuyết, thường những con đường có ít xe lại qua dễ là đường có nhiều ‘băng đen’.
Trên đường không nên cố vượt những xe cào tuyết hoặc xe sửa chữa, rải cát, đá di chuyển trên đường vì lí do tầm nhìn của tài xế điều khiển các xe này đang rất hạn chế, nếu cố vượt dễ xảy ra va chạm. Hơn nữa, đó là các xe sửa chữa, làm cho chất lượng đường tốt hơn, nếu bạn vượt qua bạn có thể gặp một đoạn đường xấu, khó đi hơn nữa.
Với trời mưa tuyết, xe có hệ thống dẫn động 4 bánh (2 cầu) sẽ là lựa chọn hợp lý và an toàn hơn.
Tuyết dầy quá thì tốt nhất là xuống xe đẩy bộ.
Khi xe bị lún trong tuyết…
Không nên cố đạp tăng ga để thoát ra vì tuyết trơn như một thứ dầu nhờn chỉ làm bánh xe tiếp tục lăn tròn sâu hơn vào hố tuyết. Cách tốt hơn là xoay tay lái nhiều lần để bánh xe chuyển từ bên này sang bên kia, và đẩy tuyết ra khỏi đường di chuyển của bánh xe. Tiếp tới nhấn ga từ từ để đưa xe ra khỏi vũng lầy.
Với những cú sa lầy nặng hơn, cần đổ cát, rơm lót, sỏi, muối xuống trước và xung quanh bánh xe để tăng độ ma sát bám đường.
Gây chú ý cho xe trong trời tuyết
Khi di chuyển trong trời mưa tuyết, xe của bạn nên có các miếng vải, đề can có màu sặc sỡ (đỏ, da cam, bắt sáng) ở cần ăng ten, đỉnh nóc, mũi xe. Các đèn led màu nóng rực rỡ lắp xung quanh xe cũng là tín hiệu báo xác định vị trí xe của bạn với các xe đồng hành xung quanh…
Nếu dừng xe thì trong khoảng 1 giờ đồng hồ cần mở máy trong vòng 10 phút để tránh ống bô bị tuyết băng đóng kín.
Luôn hé mở một cửa sổ xe là lời khuyên của các cao thủ chạy xe trong trời tuyết tránh hiệu ứng thở không khí khu trú trong xe, hoặc khí lạnh tràn đột ngột vào xe khi mở cửa.