Sau hơn 3 tháng chờ đợi, tuần trước, anh Quân được showroom mời đến nhận xe cùng với thông báo chuẩn bị thêm hơn 200 triệu đồng bù chênh tỷ giá.
Anh đặt chiếc Lexus RX 350 hồi cuối tháng 5, giá 156.000 USD, tương đương 3,4 tỷ đồng theo tỷ giá lúc đó. Nhưng nay showroom thông báo anh phải thanh toán 3,7 tỷ đồng vì tỷ giá tăng.
“Cũng là một khoản tiền lớn nên tôi đang phải đi gom để sớm thanh toán nhận được xe. Trước đó, khi ký hợp đồng mua xe tôi cũng thỏa thuận với đại lý về khả năng thay đổi tỷ giá. Khoản bù này lớn là do các doanh nghiệp ôtô tính tỷ giá tự do tại thời điểm thanh toán ở mức 22.800 đồng so với trên 21.000 cách đây 3 tháng”, anh cho biết.
Sau khi Trung Quốc phá giá kỷ lục vào 11/8, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã 2 lần nới biên độ (từ +/-1% lên +/-3%) và tăng tỷ giá thêm 1%. Các chủ showroom cũng nhanh chóng báo giá bán tăng 5-12% so với trước.
Là đơn vị nhập khẩu và phân phối cho các showroom tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP HCM, ông Đặng Như Quỳnh – Tổng giám đốc công ty cổ phần ôtô 999999999 cho biết ngay sau khi tỷ giá điều chỉnh, các dòng xe nhập khẩu từ châu Âu và Mỹ như Lexus, Audi, Ford của doanh nghiệp đã tăng giá bán 5-7%.
Theo vị này, ôtô nhập khẩu là mặt hàng chịu thuế cao. Giá tính thuế nhập khẩu được căn cứ trên tỷ giá bình quân liên ngân hàng. Vì thế không chỉ tăng chi phí ở giá nhập khẩu, mà doanh nghiệp cũng thêm tốn kém ở phần thuế.
“Động thái tăng tỷ giá đi cùng với nới rộng biên độ chắc chắn còn ảnh hưởng đến giá bán xe thời gian tới. Doanh nghiệp chẳng hưởng gì ở phần chênh lệch giá này, tất cả đều dồn vào người mua”, ông Quỳnh nói.
Giám đốc một showroom trên đường Lê Văn Lương (Hà Nội) cho hay các doanh nghiệp nhập khẩu ôtô đang chịu chính sách kép. Ngoài tỷ giá, cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt với xe nhập khẩu bắt đầu thay đổi từ năm sau cũng sẽ gây khó khăn hơn.
“Cơ quan quản lý đã khẳng định không điều chỉnh tỷ giá từ nay đến cuối năm và đủ nguồn ngoại tệ để can thiệp thị trường. Song chúng tôi vẫn thấp thỏm vì biết đâu không tăng tỷ giá nhưng vẫn nới biên độ thì sao”, ông bày tỏ.
Áp lực tỷ giá đối với các doanh nghiệp nhập khẩu ôtô đúng tháng 7 Âm lịch- thời điểm sức mua xuống thấp nhất trong năm, người tiêu dùng dè dặt mua xe càng khiến các doanh nghiệp lo ngại.
Ông Quỳnh cho biết với 5 showroom trong cả nước, trung bình mỗi tháng công ty bán 60-80 xe các loại, song lúc này đã giảm một nửa. Mỗi tháng ông vẫn phải nhập về vài trăm chiếc, chuẩn bị cho đợt bán hàng cuối cùng của năm và tranh thủ trước thời điểm thay đổi cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt.
“Chỉ khi nào lô hàng thông quan xong chúng tôi mới tính được giá thành. Đặt một mẫu xe mất 2 tháng, thêm 45 ngày vận chuyển, tổng cộng mất hơn 3 tháng trời. Đùng một cái thay đổi chính sách, tăng tỷ giá. Ngay chính bản thân doanh nghiệp không thể biết giá bán cuối cùng là bao nhiêu”, ông nói.
Trong khi doanh nghiệp nhập khẩu áp lực trước tỷ giá thì các dòng xe liên doanh hoặc lắp ráp nội địa được các đơn vị giữ giá bán hoặc duy trì chính sách bán hàng ưu đãi cho khách hàng. Thừa nhận tỷ giá tăng, biên độ dao động quá cao có ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh, nhưng đại diện Toyota Việt Nam cho biết vẫn chưa tính toán mức độ tác động cụ thể. Thời điểm này, giá bán lẻ các sản phẩm của hãng vẫn giữ nguyên.
Ông Nguyễn Một-Giám đốc đối ngoại Công ty CP ôtô Trường Hải (Thaco) cho biết dù có ảnh hưởng đế việc nhập các thiết bị lắp ráp nhưng doanh nghiệp chấp nhận lợi nhuận giảm để không tăng giá xe. Mục tiêu của Thaco là duy trì sản lượng xe bán ra thị trường. Do đó, doanh nghiệp vẫn triển khai các chương trình ưu đãi hỗ trợ một số dòng xe mới đến khách hàng.