20 năm trước, chính sách phát triển nghành công nghiệp ôtô rất hoành tráng với biết bao hy vọng. Lúc đó, chúng ta mơ có những hãng xe hơi Made in Việt Nam, phục vụ nhu cầu trong nước, đồng thời xuất khẩu ra thế giới. Nhưng đã 20 năm trôi qua, phải cay đắng nhìn nhận ra một điều đó chỉ là một giấc mơ không trở thành hiện thực, một thất bại.
Nguyên nhân thất bại thì nhiều nhưng chủ yếu vẫn là do những chính sách tiền hậu bất nhất, thay đổi liên tục khiến các hãng xe không biết đâu mà lần.
Trung bình cứ 6 tháng sẽ có chính sách mới liên quan đến nghành công nghiệp ôtô, như vậy thử hỏi có doanh nghiệp nào yên tâm làm ăn, đầu tư vào môi trường nhiều biến động như vậy không?
Hơn nữa, sự không nhất quán về chính sách, việc ai nấy làm, trong khi công nghiệp muốn có những chiếc xe hơi vừa rẻ, chất lượng tốt, tỷ lệ nội địa hóa cao, để nhiều người có cơ hội sử dụng thì Bộ Tài chính và cơ quan liên quan lại sử dụng thuế, phí như một công cụ để hạn chế quyền sở hữu ôtô của người Việt. Việc nhìn nhận ôtô là mặt hàng xa xỉ và áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt là một nghịch lý buồn, chính nó là một trong những nguyên nhân đẩy giá xe ở Việt Nam lên cao vào hàng nhất nhì thế giới, trong khi thu nhập lại ở mức thấp.
Nếu trước đây chúng ta lập luận giá xe cao vì cơ sở giao thông chưa đáp ứng được, chỉ phải bỏ tiền ra mua xe mà không phải trả tiền phí lưu hành… thì hiện tại người tiêu dùng cũng phải trả rất nhiều khoản tiền khác nhau. Việc không nhìn nhận ôtô như phương tiện phổ thông, bình dân cũng sẽ dẫn đến việc không quy hoạch được giao thông, chỗ để xe. Không có tầm nhìn dẫn đến không có hoặc thiếu quỹ đất giao thông sau này, điều mà các thành phố lớn đang gặp phải. Khi mà 20 năm trước ta chỉ quy hoạch cho xe máy.
Cần nhìn nhận công bằng và đúng đắn về xe hơi, nó cũng chỉ là phương tiện để đi lại, cuộc sống đã khá hơn trước. Không phải giàu mới có thể đi xe mà tầng lớp trung lưa, khá giả mới là đối tượng khách hàng đông đảo, có thể góp phần kích thích, tiêu thụ cho nghành công nghiệp ôtô nếu giá của nó trở về với giá trị thực.
Việc hạn chế đi ôtô trong khi lại muốn các nhà sản xuất xe đầu tư, chuyển giao công nghệ, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa là điều không tưởng, chẳng doanh nghiệp nào chịu đầu tư vào một thị trường kỳ quặc như vậy. Khi biết chắc sẽ rất khó bán tại đây, đó là chưa nói đến nghành công nghiệp phụ trợ vốn đang còn yếu không thể cung ứng được linh kiện cho những nhà sản xuất. Chẳng có một hãng xe nào đủ lớn để sản xuất toàn bộ chi tiết một chiếc xe cả, mà họ chỉ sản xuất những chi tiết chính, còn lại sẽ đặt mua những linh kiện tại quốc gia đó để giảm giá thành. Điều này thì Việt Nam còn yếu.
Theo như xu hướng hiện nay, đến năm 2018 thuế nhập khẩu đối với xe hơi từ các nước Asean sẽ bằng 0%. Các hãng xe lớn hầu như đều có nhà máy tại các nước Đông Nam Á cho nên sẽ rất khó để họ đầu tư thêm vào Việt Nam. Một thị trường không lớn và còn bị hạn chế nhiều mặt, thay vào đó họ sẽ nhập xe hoặc linh kiện về lắp ráp và bán để thu lợi. Trong nước không còn nhiều những hãng xe, cho nên để giữ được chân họ đã là khó rồi.
Cho dù thời điểm 2018 sắp đến, thuế nhập khẩu ôtô sẽ về 0% đi nữa thì người tiêu dùng Việt cũng ít có cơ hội mua xe giá rẻ hơn vì chắc chắn chính sách thuế sẽ thay đổi theo chiều hướng tăng.
Chỉ có người tiêu dùng thiệt hại, nghành sản xuất xe cũng vậy. Nếu giá xe giảm nhiều, người có cơ hội được sở hữu thì thuế có giảm nhưng sẽ được bù lại bởi đông người đi xe. Một thị trường sôi động sẽ có những nhà đầu tư, những nhà sản xuất phụ kiện cung ứng mà chẳng cần hô hào kêu gọi, đó là quy luật kinh tế thị trường, có cầu ắt có cung, chỉ cần nhà nước hỗ trợ về vốn và chính sách.
Còn nếu không thay đổi quyết liệt vẫn giữ cách làm việc cũ thì giấc mộng xe hơi ở Việt Nam cũng sẽ chỉ là giấc mộng không bao giờ trở thành hiện thực mà thôi.