Hệ thống cống nội đô TP HCM chỉ có thể thoát kịp lượng mưa 86 mm, trong khi cơn mưa chiều qua có vũ lượng đến 142 mm, lại kéo dài trong nhiều giờ.
Theo thống kê của Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước TP HCM, cơn mưa lớn nhất năm vào chiều 15/9 đã gây ngập 66 điểm khắp địa bàn, nơi sâu nhất là 0,5 m. Mưa lớn gây ngập trên diện rộng đúng giờ tan tầm đã khiến giao thông Sài Gòn rối loạn. Hàng nghìn xe máy, ôtô xếp hàng dài chôn chân, nhà dân bị ngập sâu trong nước…
Giải thích về nguyên nhân dẫn đến tình trạng ngập “cả thành phố”, ông Đỗ Tấn Long – Trưởng phòng Quản lý hệ thống thoát nước Trung tâm điều hành chương trình chống ngập TP HCM – cho biết, do hệ thống cống ở nội đô được thiết kế để thoát nước với lượng mưa 86 mm kéo dài trong 3 giờ. Tuy nhiên, cơn mưa chiều tối qua có vũ lượng lên đến 142 mm, lại kéo dài nhiều giờ liền nên cống không thể thoát kịp.
“Bên cạnh đó, triều cường ở các sông vào thời điểm đó cũng ở mức cao, như trạm Phú An trên sông Sài Gòn là 1,4 m, dẫn đến việc thoát nước càng chậm hơn”, ông Long nói.
Tuy nhiên, theo ông Long, do Trung tâm đã xây dựng phương án ứng phó nên ngay khi mưa lớn gây ngập nhiều khu vực trên địa bàn, công nhân thoát nước đô thị đã có mặt để vớt rác chặn các cống giúp nước thoát nhanh hơn, hoặc ứng cứu các trường hợp xe bị chết máy…
Trước ý kiến các dự án chống ngập “chỉ thiết kế cống với công suất thấp là không có tầm nhìn xa nên không hiệu quả khi có mưa lớn”, đại diện Trung tâm chống ngập cho rằng, hệ thống cống cũ được xây dựng từ trước 2005 – khi chưa có khái niệm biến đổi khí hậu. Vì vậy, cống được thiết kế dựa vào số liệu về lượng mưa và mức triều cường thời điểm đó.
“Do biến đổi khí hậu, mưa tại TP HCM có trữ lượng ngày càng lớn, triều cường cũng liên tục lập đỉnh mới khi năm sau cao hơn năm trước nên hệ thống cống cũ không thể đáp ứng nổi việc thoát nước. Ở các dự án chống ngập đã và đang triển khai sau này đều được yêu cầu phải gắn với yếu tố biến đổi khí hậu”, ông Long nói.
Về các giải pháp chống ngập sắp tới, Trung tâm này cho biết sẽ tiếp tục nâng cấp hệ thống cống cũ dài khoảng 200 km để thoát nước trong nội thị ra kênh, trong đó ưu tiên những vị trí trọng yếu. Đồng thời cải tạo, nạo vét các kênh rạch để nâng khả năng tiêu thoát nước từ kênh ra sông. Cụ thể là giai đoạn 2016-2020 phải hoàn thành dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm ở quận Bình Thạnh.
Bên cạnh đó, các giải pháp hỗ trợ thoát nước tại chỗ như xây hồ điều tiết cũng đang được triển khai. Thành phố đã quy hoạch xây dựng 103 hồ điều tiết ở các quận, huyện. Trong 5 năm tới sẽ thực hiện thí điểm trước 3 hồ gồm Bàu Cát (quận Tân Bình), Khánh Hội (quận 4) và Gò Dưa (quận Thủ Đức) với tổng kinh phí hơn 950 tỷ đồng.
“Với những giải pháp đó, mục tiêu đề ra trong 5 năm tới sẽ tiếp tục giải quyết ngập căn cơ cho khu vực trung tâm gồm 13 quận nội thành cũ, sau đó sẽ mở rộng ra các quận, huyện còn lại với diện tích khoảng 550 km2”, đại diện Trung tâm chống ngập cho biết.