Năm 2015, thị trường ô tô xác lập mốc “lịch sử” khi đạt tốc độ tăng trưởng cao nhất từ trước đến nay (245.000 xe, tăng 55% so với 2014).
Năm 2016, liệu thị trường có đạt đỉnh mới khi đây được cho là giai đoạn “vàng” trước năm 2017, năm khách hàng sẽ dừng không mua xe mà chờ đợi “diễn biến” mới khi thuế NK xe nguyên chiếc trong khu vực xuống 0% vào năm 2018? Nhiều ý kiến cho rằng năm 2016 sẽ là một năm nhiều biến động về giá xe và doanh số.
Tăng vì “chính sách”
Thực hiện Nghị định số 108/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế TTĐB, từ 1-1-2016 giá tính thuế TTĐB đối với mặt hàng ô tô nhập khẩu nguyên chiếc sẽ thay đổi đáng kể. Thay vì chỉ tính trên giá CIF + thuế nhập khẩu như trước đây, thuế TTĐB đối với xe nguyên chiếc NK sẽ được tính trên giá bán buôn. Như vậy DN sẽ phải tính thêm chi phí vận chuyển nội địa, marketing, lợi nhuận… vào giá vốn để tính thuế TTĐB.
Với sự thay đổi này, ngay từ đầu năm 2016, nhiều hãng xe đã lập tức điều chỉnh giá bán xe, tuy nhiên tỉ lệ tăng của các hãng khá khác nhau.
Mức tăng được cho là gây “sốc” là của Mercedes-Benz Việt Nam. Thương hiệu xe sang này đã điều chỉnh giá bán lẻ các mẫu xe với mức tăng từ gần 2% đến 10% (tăng thấp nhất cũng khoảng 20 triệu, cao nhất lên đến hơn 1,8 tỷ đồng, trung bình là từ 60 triệu đến 400 triệu đồng).
Mặc dù nhà NK chính hãng là Công ty BMW chưa chính thức công bố tăng giá, song giá bán của nhiều dòng xe BMW trên thị trường cũng đã tăng với mức tăng từ 49 triệu đồng đến 650 triệu đồng. Hay các mẫu xe của Porsche như Porsche Macan có mức tăng 290 triệu đồng và Porsche Macan S có mức tăng 250 triệu đồng…
Chưa lập tức tăng trong tháng 1 nhưng ông Bùi Kim Kha – đại diện cho Thaco, đơn vị hiện đang phân phối 3 thương hiệu xe là Peugeot, Mazda, Kia cho biết: Do thay đổi cách tính thuế TTĐB, Thaco sẽ có đợt điều chỉnh tăng giá bán một số dòng xe. Tuy nhiên theo tính toán của ông Kha, mức tăng chỉ từ 2-3%.
Cũng sẽ tăng giá, nhưng theo đại diện của Lexus Việt Nam, các dòng xe Lexus sẽ tăng vào thời điểm tháng 2-2016, và mức tăng của thương hiệu xe sang này cũng chỉ từ 2%-5%.
Theo tiết lộ từ nhà phân phối thương hiệu Audi tại Việt Nam, việc thay đổi cách tính thuế TTĐB này sẽ làm cho giá các dòng sản phẩm của Audi tại Việt Năm tăng từ 5-10%. Đây sẽ là mức tăng rất lớn bởi Audi là dòng xe sang, giá sản phẩm đều từ vài tỷ trở lên.
Tăng theo “ý thích”
Sự thay đổi chính sách tác động tới giá bán xe là điều đương nhiên nhưng trên thực tế nguyên nhân tăng giá không hoàn toàn đến từ lý do chính sách thay đổi.
Tính toán của đại diện một doanh nghiệp NK ô tô cho biết: Nếu chỉ tính riêng thuế TTĐB, theo cách tính của Thông tư 195/2015/TT-BTC (hướng dẫn thi hành Nghị định108/2015/NĐ-CP) do Bộ Tài chính ban hành thì chi phí với ô tô NK có tăng thêm, nhưng không quá cao, trung bình khoảng 2-5%. Như vậy, đối với các dòng xe phổ thông mức tăng chỉ một hai chục triệu đến dưới trăm triệu, chỉ những chiếc xe có giá trị lớn thì mới tăng thêm từ 200-300 triệu đồng, tuy nhiên sẽ không đến cả tỷ đồng.
Còn có những lý do khác.
Đó là việc một số mẫu xe đã được cơ quan Hải quan điều chỉnh tăng giá tính thuế NK; Cùng với đó là tỷ giá ngoại tệ so với nội tệ tăng khiến cho xe NK nguyên chiếc tăng chi phí, cao nhất là với xe sang.
Nhưng không phải là không có yếu tố để giảm giá xe. Đầu năm 2016, thuế suất thuế NK ô tô nguyên chiếc đã giảm. Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi theo danh mục mặt hàng chịu thuế, từ 1-1-2016 được quy định tại Thông tư số 182/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính, ban hành ngày 16-11-2015, có 8 dòng thuế ô tô được cắt giảm từ 2% đến 4%, theo lộ trình cam kết WTO.
Vậy nên có thể thấy việc tăng giá xe được các hãng tính toán trên cơ sở nhu cầu thị trường. Năm 2015, do nhu cầu tăng cao, tất cả hãng xe, các dòng xe đều có đạt mức tăng trưởng rất tốt.
Các thương hiệu xe sang như Mercedes-Benz, Lexus, BMW, Audi, Lexus… hoàn toàn có đủ tự tin tăng giá sản phẩm mà không sợ “ế”. Bởi năm 2015, các thương hiệu này đều đạt mức tăng trưởng cao, muốn mua xe thường phải đặt trước từ 3-6 tháng song các khách hàng vẫn sẵn sàng “chờ”. Đơn cử như Mercedes có mức tăng trưởng 55%; hay Lexus, sau hơn 2 năm có mặt tại Việt Nam, đã nhanh chóng có mức tăng trưởng ấn tượng tới 150%; Audi đạt doanh số vượt xa kế hoạch với 700 xe được bán ra…
Hay như chiếc Everest 2016 của Ford Việt Nam. Đầu năm 2016, mẫu xe hoàn toàn mới này của Ford cũng gây sốc cho thị trường khi công bố giá bán cao hơn phiên bản cũ tới 460-768 triệu đồng (phiên bản cao nhất có giá 1,629 tỷ đồng; thấp nhất 1,249 tỷ đồng). Những tưởng với mức giá cao ngất tưởng này khách hàng sẽ “bỏ chạy” song theo tiết lộ của ông Phạm Văn Dũng-TGĐ Ford Việt Nam cho biết: Đơn đặt hàng vẫn rất tốt, hiện Ford Việt Nam không có đủ sản phẩm để cung cấp cho khách hàng. Muốn sở hữu Everest 2016 khách hàng phải đặt cọc và chờ ít nhất 6 tháng.
Thị trường “tốt” như vậy, doanh nghiệp “ngại” gì mà không tăng giá(?!)