Khi các nước Thái Lan, Indonesia dễ dàng mua sắm xe hơi thì Việt Nam chật vật trong suy thoái kinh tế, nhưng đến nay bức tranh đã đảo màu.
Trung Quốc, thị trường xe hơi lớn nhất thế giới đang gặp phải những bất ổn khi đồng loạt các hãng lớn như Toyota, Volkswagen, Ford đều thông báo kết quả kinh doanh đáng buồn. Doanh số giảm và không có dấu hiệu gia tăng trở lại. Kinh tế nước này đang gặp những trục trặc cũng như thị trường chứng khoán mất điểm không phanh.
Ở Đông Nam Á, Indonesia và Thái Lan, hai thị trường xe hơi số một và số hai khu vực cũng không có kết quả khả quan. Cụ thể, Indonesia tháng 6 vừa rồi giảm doanh số 25,7% so với cùng kỳ năm ngoái, qua nửa đầu 2015 doanh số giảm 18% so với nửa đầu 2014, ở mức trên 525.000 xe, theo hiệp hội công nghiệp.
Thái Lan có hình ảnh tương tự khi 6 tháng đầu năm mức giảm doanh số so với cùng kỳ là 16,3%. Điều đáng nói doanh số này kéo dài khoảng 17 tháng liên tục. Suốt từ đầu năm nay, các thị trường trọng điểm của Đông Nam Á gồm Thái Lan, Malaysia, Indonesia đều giảm doanh số, và không có dấu hiệu tươi sáng trở lại.
ASEAN 6 là nhóm gồm 6 nước có thị trường xe hơi phát triển nhất ở Đông Nam Á gồm Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Việt Nam, Philippines và Singapore. Xét trên dung lượng, ba ông lớn phía trên là Indonesia, Thái Lan và Malaysia đang hứng chịu kết quả xấu thì ngược lại Việt Nam, Philippines và Singapore lại có tăng nhanh, dù số lượng thấp hơn nhiều lần.
Bước sang 2015, người Việt ồ ạt sắm xe khi thị trường 6 tháng đầu năm tăng 58% so với cùng kỳ 2014, mức tăng trưởng vượt ngoài mong đợi của các hãng. Nhưng ngược lại, nếu khoảng 5 năm trước, khi doanh số xe hơi ở Việt Nam xuống thảm hại thì Indonesia hay Thái Lan lại ồ ạt mua sắm.
Bức tranh công nghiệp xe hơi ở những thị trường đang nổi cho thấy, Việt Nam có mảng màu đối lập so với những nước láng giềng như Trung Quốc, Indonesia, Thái Lan hay Malaysia, hai chiều lên xuống luôn ngược nhau.
Vì sao có hiện tượng này? Khoảng 5 năm trước, giai đoạn 2009-2012, khi nền kinh tế trên toàn thế giới chịu ảnh hưởng nặng nề của khủng hoảng, chính phủ các nước cũng như các hãng xe tìm đủ mọi cách kích cầu, nới lỏng tín dụng và giảm giá xe để người dân dễ mua hàng.
Thái Lan không chỉ giảm thuế xe, hạ thấp lãi suất ngân hàng cũng như điều kiện vay tiêu dùng mà còn trợ giá nông sản cho nông dân, để những đối tượng có thu nhập trung bình thấp có khả năng tiếp cận ôtô, nhằm vực dậy nền công nghiệp chiếm tới 12% GDP.
Malaysia cũng có bước đi tương tự, chính phủ nước này không đi theo hướng trở thành “Detroit của châu Á” như Thái Lan, nhưng hỗ trợ tối đa phát triển xe hơi nội địa, tạo ra những mẫu xe giá rẻ dễ tiếp cận nhất. Song song đó là chương trình hỗ trợ vay tiêu dùng.
Indonesia là đất nước có tiềm năng phát triển xe hơi nhất với dân số 250 triệu người (cả ASEAN là 650 triệu), lượng phương tiện còn khá ít, cơ hội phát triển thị trường nội địa trông thấy cho các hãng xe lớn. Theo thống kê của KPMG, Indonesia chỉ có 43 ôtô trên 1.000 người, trong khi láng giềng Malaysia có tới 300 xe trên 1.000 người, cơ hội cho Indonesia là rất lớn.
Năm 2011, chính phủ nước này đưa ra kế hoạch vượt Thái Lan bằng cách hỗ trợ người dân mua xe, mở rộng thị trường trong nước, thu hút đầu tư vốn và công nghệ của những hãng khổng lồ nước ngoài.
Bằng cách tăng khả năng mua xe trong nước, thị trường Indonesia phát triển nhanh chóng những năm qua, doanh số tăng gấp đôi từ 603.774 chiếc năm 2008 lên 1.229.902 xe năm 2013. Nhưng đến thời điểm này, đã 10 tháng liên tiếp thị trường ôtô đất nước vạn đảo theo chiều đi xuống.
Trung Quốc với sức phát triển nóng trong nhiều năm, công xưởng của nhiều hãng xe lớn với tốc độ phát triển kinh tế quá nóng khiến người dân, đặc biệt tầng lớp trung lưu tìm cách tiêu tiền, mua xe như một cách chứng minh tài chính.
Giai đoạn 2009-2013, khi hầu hết các nước kể trên tăng doanh số xe mạnh mẽ do các chính sách trợ giá, thì Việt Nam ngược lại. Ôtô luôn là mặt hàng cần hạn chế, do đó là lẽ tự nhiên khi doanh số xe hơi sụt giảm cùng chiều với khủng hoảng kinh tế.
Cụ thể, hết 2008, doanh số toàn ngành là gần 112.000 xe, tăng 37% so với năm 2007 là 80.000 xe. Đến hết 2009, VAMA bán 119.000, tức tăng chỉ 7%. Sức mua ôtô giảm đáng kể trong những năm tiếp theo 2010 (-7%), 2011 (-1%), đỉnh điểm 2012 (-33%). Chỉ dần khởi sắc trở lại từ 2013.
Giai đoạn cuối 2013 tới nay, thị trường Việt Nam chứng kiến màn khởi sắc khi doanh số 2013 gần 97.000 chiếcxe, tăng 20% so với 2012. Doanh số 2014 khoảng 158.000 xe, tăng 43% so với 2013. Hết nửa đầu 2015 thị trường tiếp tục giữ đà tăng trưởng mạnh khi mức tăng là 58% so với nửa đầu 2014. Nhưng cũng chính lúc này, mảng màu tối đen bao trùm lên những nước láng giềng.
Thái Lan, Indonesia hay Malaysia đang chịu ảnh hưởng từ chính sách kích cầu tiêu dùng ôtô 5 năm trước, thời điểm này mức nợ hộ gia đình đã tăng lên tới gần 90% GDP, khiến rất nhiều gia đình không còn khả năng vay thêm tiêu dùng được nữa.
Bên cạnh đó, phần lớn người dân vẫn trong thời gian sử dụng chiếc xe mua lần đầu, chưa có nhu cầu mua thêm hay mua mới. Tình hình tăng trưởng kinh tế gặp bất ổn, chính sách hạn chế xe hơi ở thành phố lớn của những nước này, càng đòi hỏi người dân thắt chặt chi tiêu, suy nghĩ về những khoản tiêu dùng hợp lý nhất.
Việt Nam không có những gói kích cầu giai đoạn trước như các nước, nên mua bán xe vẫn theo quy luật cung cầu. Nhóm khách hàng thu nhập tầm trung tăng cao đồng thời thêm nhiều mẫu xe cỡ nhỏ với mức giá dễ tiếp cận cũng là cách khiến doanh số luôn trên đà tăng trưởng.
Theo các chuyên gia trong nước, thị trường xe hơi Việt Nam sẽ tiếp đà tăng trưởng trong thời gian tới nếu không có những biến động về chính sách thuế, phí. Ngược lại, các cơ quan chuyên trách của Thái Lan, Malaysia hay Indonesia lại chưa có niềm tin thị trường những nước này ấm trở lại, cần một thời gian nữa để người dân ổn định dòng tiền giữa thu nhập và chi tiêu.