Dù mức tiền chỉ có thể mua xe 400 triệu nhưng rất nhiều người cố vay mượn để mua xe 700-800 triệu.
“Nghèo thì nghèo cũng phải cho thằng cu Tèo đi học”, tâm lý cố gắng vươn lên của người Việt trong hoàn cảnh đói khổ trước đây là điều hết sức tuyệt vời. Nhưng dường như tâm lý này vẫn áp dụng đến ngày nay, trong việc mua sắm xe hơi, liệu có còn thực sự phù hợp?
Theo số liệu của VAMA, 10 mẫu xe bán chạy nhất nửa đầu 2015 tại Việt Nam thì chỉ có 2 mẫu xe cỡ nhỏ là Toyota Vios và Kia Morning. Trong hai mẫu xe này chỉ có Kia Morning có mức giá “có thể mơ ước” cho hầu hết mọi người ở tầng lớp trung lưu, còn Toyota Vios có giá tiệm cận tới phân khúc C, 600-700 triệu.
Trong một bài báo, đã tính toán mức giá trung bình mà người Việt bỏ ra để mua xe hơi là 764,5 triệu, tức mất khoảng 17,5 năm không ăn tiêu mới đủ tiền mua xe hơi. Nhưng thực ra con số gần 800 triệu này cách rất xa khả năng của người Việt, trong mức khả thi 400 triệu thì ít người nghĩ tới.
Trong số những người mua xe hơi giá từ 700 triệu đến cả tỷ kia, liệu có phải tất cả tiền đều trả bằng tài khoản chính chủ, hay có trả góp thông qua ngân hàng. Không có con số thống kê chính xác, nhưng với bạn bè tôi, 10 người thì có tới 8 mua ôtô khi mới có khoảng nửa tiền, nhưng khuyên họ mua xe bé hơn thì không chịu.
Vậy tại sao người Việt lại thích mua xe hơi đắt? Theo tôi có một số nguyên nhân cả chủ quan và khách quan như sau:
Thứ nhất, tâm lý xe thể hiện giá trị bản thân. Một chiếc xe có giá 700-800 triệu nói ra cho người khác sẽ cảm thấy “oách” hơn nhiều so với xe có 300-400 triệu. “Xe có 400 triệu thôi ấy mà”, sắc thái khác hẳn câu “Xe 800 triệu đó”.
Thứ hai, tâm lý bán lại. Sau khi đã tích lũy một khoản tiền tương đối người ta nghĩ tới mua xe. Lúc này chiếc xe là tài sản lớn, do đó tâm lý hoàn toàn bình thường là không muốn mất giá quá nhiều, nên xe đắt chút nhưng sau này bán lại “có tấm có món” để đổi xe hoặc làm việc khác.
Thứ ba, xe cho cả gia đình. Người Việt không mua xe phục vụ nhu cầu mỗi cá nhân như ở các nước phát triển xe hơi khác. Một người mua xe là chở cả gia đình vợ chồng con cái, ông bà. Do đó, xe bé đôi khi bất tiện vì không gian nội thất cũng như khoang hành lý hạn chế.
Thứ tư, đường sá chất lượng thấp. Những con đường ở Việt Nam hay hỏng hóc, đào lên lấp xuống, ổ voi ổ gà nhiều, về quê thì như đi off-road, những xe nhỏ đôi khi không đáp ứng được nhu cầu máy đủ khỏe, lốp đủ lớn, gầm đủ cao để mang lại cảm giác an toàn cho người sử dụng.
Đây là một số ý kiến mình nhận thấy, theo các bạn còn nguyên nhân nào nữa không?