Theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 và khoản 3 điều 5 thông tư 65/2012/TT-BCA quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung tuần tra, kiểm soát đường bộ của CSGT như sau:
Được phép dừng các phương tiện đang tham gia giao thông đường bộ; kiểm soát phương tiện, giấy tờ của phương tiện; kiểm soát người và giấy tờ của người điều khiển phương tiện, giấy tờ tùy thân của người trên phương tiện đang kiểm soát, việc thực hiện các quy định về hoạt động vận tải đường bộ theo quy định pháp luật.
Xử lý các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và an ninh, trật tự, an toàn xã hội theo quy định của pháp luật.
Được áp dụng các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm cho việc xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật; tạm giữ giấy phép lái xe, giấy chứng nhận đăng ký xe và giấy tờ khác có liên quan đến phương tiện, người điều khiển phương tiện hoặc những người trên phương tiện khi có hành vi vi phạm pháp luật, giấy tờ liên quan đến hoạt động vận tải để bảo đảm cho việc thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.
Theo các quy định trên không thấy có quy định việc CSGT được rút và giữ chìa khóa xe của phương tiện giao thông. Mặt khác theo quy định tại khoản 3 điều 3 Thông tư 65/2012/TT-BCA quy định yêu cầu, tiêu chuẩn của cán bộ làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ có quy định:
Khi tiếp xúc với nhân dân phải có thái độ kính trọng, lễ phép, tận tụy, đúng mực.
Như vậy nếu CSGT thực hiện việc rút và giữ chìa khóa phương tiện giao thông trong lúc thực hiện việc kiểm soát người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ là không đúng quy định tại Thông tư 65/2012/TT-BCA. Người bị kiểm tra hành chính có quyền khiếu nại hoặc tố cáo hành vi vi phạm của CSGT theo quy định pháp luật.