“Chủ xe thuê người theo dõi hoạt động của cảnh sát giao thông rồi báo tin cho tài xế để tránh các trạm cân lưu động”, thượng tá Lê Văn Lực, Phó trưởng Phòng CSGT Đà Nẵng, nói.
- CSGT Đà Nẵng bác bỏ thông tin bảo kê xe quá tải
Chủ tịch UBND Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ cho biết việc đường hư hỏng do xe quá tải gây ra khiến mỗi năm thành phố phải chi 50-60 tỷ đồng để tu sửa.
Ngày 7/10, thượng tá Lê Văn Lực (Phó trưởng Phòng Cảnh sát giao thông Đà Nẵng) cho biết, do đặc thù của Đà Nẵng mở rộng phát triển về phía Đông Nam nên tập trung số lượng lớn xe ben hoạt động, chủ yếu chở đất, cát, vật liệu xây dựng từ quốc lộ 14B về trung tâm thành phố. Lực lượng liên ngành thành phố đã đưa ra nhiều giải pháp, trong đó có đến tận các doanh nghiệp để yêu cầu viết cam kết không vi phạm về tải trọng nhưng mọi việc không có nhiều chuyển biến. Nguyên nhân chính do thức của lái xe quá kém, còn doanh nghiệp vì lợi nhuận bất chấp tất cả.
“Những xe hay chở quá tải còn có cả đội quân cảnh giới. Thậm chí cảnh sát giao thông khi ra khỏi trụ sở để đi kiểm tra thì lập tức có “chim mồi” theo dõi để báo cho tài xế. Để trốn tránh lực lượng chức năng, tài xế xe quá tải luồn lách vào những con hẻm, gây khó khăn cho việc phát hiện, xử lý”, ông Lực nói.
Ông Nguyễn Hữu Chất (Phó trưởng phòng Kinh tế hạ tầng huyện Hòa Vang) kể khi đoàn liên ngành của huyện đi kiểm tra thì mỗi đơn vị thi công đã “thuê” sẵn 5 đến 6 “chim mồi” ngồi theo dõi ngay trước trụ sở UBND huyện để nắm rõ đường đi và gọi điện thoại cho tài xế.
“Chúng tôi đã rất bí mật, khi lên xe mới nói cho tài xế tuyến đường đi kiểm tra. Nhưng “chim mồi” bám theo, giữ một khoảng cách nhất định để nhắn tin, điện thoại cho tài xế các xe chở đất đá biết nên rất khó”, ông Chất nói.
Theo ông Chất, nhiều chủ xe nói các đơn vị chức năng xử lý phạt cao nên chấp nhận trả tiền mỗi ngày vài trăm nghìn đồng thuê “chim mồi” cảnh giới. Tuy nhiên nếu xe qua trót lọt thì “chim mồi” mới được nhận tiền.
Về việc xử lý “chim mồi”, thượng tá Lực cho biết nếu xử phạt hành chính thì không có cơ sở, bởi họ chỉ cần một cuộc điện thoại, hay nhắn tin với nội dung ra ám hiệu là tài xế đã nắm được tình hình. “Khi họ trực tiếp dẫn đường cho xe quá tải mà chúng tôi phát hiện được thì mới có chứng cứ để xử lý”, vị Phó phòng nói thêm.
Đánh giá mức phạt tài xế và doanh nghiệp có xe quá tải, ông Lực cho rằng “đây là mức nặng” nhưng cả tài xế và doanh nghiệp vẫn cố tình vi phạm. Hiện nếu chở quá tải 100%, lái xe bị phạt 7,5 triệu đồng, doanh nghiệp 34 triệu đồng, cá nhân có xe tự lái 17 triệu đồng. Trong đợt cao điểm xử lý xe quá tải, cảnh sát giao thông đã lập biên bản xử phạt gần 200 trường hợp.