Tôi có cơ hội sang Nhật công tác một tuần. Qua báo đài, tivi tôi đã nghe, thấy rất nhiều điều hay ho về giao thông đất nước mặt trời mọc, nơi nền công nghiệp ôtô hình thành cả trăm năm nay, nhưng vẫn rất háo hức và tò mò chứng kiến tận mắt.
Máy bay đáp xuống sân bay Narita ở tỉnh Chiba lúc 7 giờ sáng, mọi thủ tục nhập cảnh, lấy hành lý diễn ra nhanh chóng, không phải chờ đợi cả tiếng như ở Nội Bài, báo hiệu một ngày tiếp nhận nhiều điều mới mẻ. Từ lối đi bộ ra sảnh chờ xe buýt, ra bãi đỗ xe, tất cả đều ngăn ngắn, gọn gàng và tuân theo nguyên tắc xếp hàng.
Xe buýt của công ty đưa chúng tôi tới Tochigi, một tỉnh ở phía Bắc Tokyo. Khi còn ở nhà, nghe mọi người nói đường ở các nước phát triển rộng lắm, to lắm nên họ nhiều ôtô cũng không sao, chứ ở Việt Nam mà cho mua ôtô thoải mái thì dễ tắc đường vì đường nhỏ. Nhưng tôi không thấy vậy.
Đường cao tốc, quốc lộ từ Narita về Tochigi hầu hết đều nhỏ, mỗi bên hai làn, nhiều thì 3 làn. Ngoại trừ cách chạy xe tay lái nghịch, hệ thống đường sá ở Nhật được thiết kế tương đối giống Việt Nam nên không đem lại cảm giác bỡ ngỡ, đương nhiên ngoại trừ việc biển báo bằng tiếng Nhật khá khiêm tốn tiếng Anh. Một trong ít điều tôi không thích ở đất nước này, hơi cực đoan.
Ngay khi vừa có cảm giác quen thuộc, hàng loạt thứ bất ngờ ập đến. Đầu tiên là hệ thống khung thép mái vòm bắc ngang từ bên này sang bên kia đường. Lúc đầu tôi nghĩ, họ làm giàn để trồng loại cây gì giữa đường thế này sao? Hỏi ra mới biết, đó là hệ thống chống tiếng ồn khi đi qua khu dân cư. Loại khung mái vòm này sẽ đưa hết âm thanh lên không trung, không ảnh hưởng tới cuộc sống người dân.
Điều bất ngờ thứ hai, xe bus sẵn sàng từ làn ngoài cùng đi vào làn giữa, nhường đường cho môtô, thứ phương tiện bị cấm vào cao tốc ở Việt Nam. Xe nhỏ, xe to đều giữ đúng làn hết mức có thể, không thấy kiểu đan từ làn này sang làn kia thường thấy trên cao tốc Pháp Vân, Nội Bài-Lào Cai hay Trung Lương-Sài Gòn.
Sau khoảng 3 giờ trên xe, chúng tôi về tới khách sạn, nghỉ ngơi để bắt đầu cho ngày làm việc. Thành phố Tochigi nhỏ bé, yên bình như những thành phố vùng núi phía bắc Việt Nam. Nhiệt độ 8 độ C nhưng không khí trong vắt, ôtô chạy “phà phà” đầy ngoài đường nhưng không hề thấy khói đen, bụi mù như nhà mình. Sao vậy nhỉ?
7h tối, chúng tôi di chuyển tới nhà hàng ăn tối bằng taxi. Tôi thắc mắc, thế bus hồi sáng đâu sao không đi, vì biết rằng taxi bên Nhật chi phí rất đắt đỏ. Câu trả lời là những tài xế lái xe bus giờ này phải về nhà nghỉ ngơi. Ở Nhật, hầu hết tài xế xe bus và cả taxi đều là người già. Trước đây từng có vụ tai nạn xe bus do tài xế già mệt mỏi, từ đó chính phủ Nhật cấm người già lái xe quá 7 giờ tối nếu đã phục vụ ban ngày, để đảm bảo sức khỏe đồng thời an toàn cho giao thông. Nếu làm việc thêm, chi phí tăng rất cao so với ban ngày, không khác gì taxi.
Nếu ở Bangkok (Thái Lan) đặc trưng taxi đủ màu sặc sỡ, New York (Mỹ) đặc trưng sơn màu vàng thì taxi ở Nhật phần đông là Toyota Crown sơn đen, đời sâu khoảng trước 1990, từ thời hai gương chiếu hậu còn gắn trên nắp ca-pô, nhưng ngồi trên xe thì êm ái không hề thua kém những mẫu xe sang hiện nay.
Tôi bước vào xe, người tài xế già nhoài người ra sau nhắc thắt dây an toàn. Xong xuôi, ông đạp thốc ga chạy theo đường dẫn sảnh khách sạn ra đường, khiến tôi giật mình. Như một thanh niên mê xe thể thao, ông không có dấu hiệu giảm ga, phi thật nhanh trên con đường thành phố nhỏ chỉ một làn, các xe ngược chiều cũng vun vút như thế.
Nhưng đến ngã tư, lập tức bỏ ga, rà phanh cho xe dừng hẳn và kiên nhẫn đợi hết dòng người đi bộ rồi đến những xe đi ngược, khi chắc chắn không có xe xung quanh, ông lại thốc ga lao đi vun vút, khác hẳn với kiểu đi xe lề rề như các thành phố ở nhà.
Không chỉ Tochigi, mà ngay cả thành phố lớn đông đúc như Tokyo, xe cộ cũng chạy như thế. Bởi lẽ đơn giản, thành phố toàn ôtô, không ai lấn làn của ai, mọi người đều đi cùng tốc độ, tạo thành một nhịp chảy đồng nhất.
Điều làm tôi bất ngờ là ở Việt Nam, người đi bộ sang đường phải chủ động tránh ôtô, trong khi đó ở Nhật, mỗi lần đi bộ qua đường tôi có cảm giác mình “like a boss”, vì xe từ phía nào cũng chủ động dừng từ xa khi thấy có người đi bộ.
Không cần liếc ngang liếc dọc, tôi tự tin sải bước như sàn catwalk sang phía bên kia, nhưng vẫn biết rằng một chiếc Audi trắng vừa phải dừng bánh, như chào đón tôi vậy, thật đã. Độ rộng của vạch kẻ đường tới 4-5 m, thoải mái đi bộ. Trong khi ở Việt Nam, vạch rộng lắm cũng chỉ 1,5 m, ôtô, xe máy chặn lên là hết.
Xen giữa những ngày làm việc, công ty sắp xếp cho chúng tôi đi tham quan các danh thắng ở Nhật. Buổi chiều hôm đó, xe bus đưa đoàn lên thác nước nằm tuốt trên núi cao. Cách thác khoảng 10 km, đường tắc cục bộ vì quá nhiều xe hơi đổ về đây.
Dù đường dẫn lên thác là đường một chiều, có hai làn xe, nhưng tất cả xe ở làn trong thì nằm chờ kiên nhẫn, còn xe nào làn ngoài thông thoáng hơn xin mời phóng lên trước, bởi lẽ ở đây có vạch liền màu vàng, nhưng không hề có cảnh sát giao thông. Thỉnh thoảng, có một số xe vượt lên, nhưng sau đó lập tức ghé vào khoảng trống cùng làn và nằm chờ tiếp. Một làn chôn chân tắc cứng, làn kia cứ chạy ầm ầm, không hề chen lấn.
Còn nhiều nữa, nhiều nữa nhưng bất ngờ, nhưng thứ tôi nhớ nhất bên cạnh ý thức giao thông, là sự yên tĩnh. Sang một tuần, tôi nhớ âm thanh huyên náo ở đường phố Việt Nam, vì bên này, dường như họ không biết sử dụng còi!