Ngày 20/8/2014, Việt Nam chính thức được Liên hiệp Quốc công nhận đã gia nhập vào 2 Công ước là: Công ước quốc tế 1968 về Giao thông đường bộ và Công ước về Biển báo – Tín hiệu đường bộ (gọi tắt là công ước Vienna). Có 85 quốc gia (trong đó đa số là các nước Châu Âu và 5 nước Đông Nam Á là Việt Nam, Myanmar, Philippines, Thái Lan, Indonesia) tham gia công ước Vienna.
Theo công ước này, giấy phép lái xe quốc tế (GPLX) được các nước tham gia Công ước cấp có giá trị sử dụng chung. Do đó, Việt Nam được phép cấp giấy phép lái xe quốc tế tại Việt Nam, công dân Việt Nam khi được cấp giấy phép lái xe quốc tế sẽ được lái xe ở các nước tham gia công ước Vienna mà không phải học, thi lấy GPLX của nước sở tại. Việt Nam cũng công nhận, cho phép công dân các nước sử dụng giấy phép lái xe quốc tế do cơ quan có thẩm quyền của các nước tham gia Công ước Vienna cấp, mà không phải đổi sang giấy phép lái xe của Việt Nam.
Ngày 15/10/2014, Bộ Giao thông Vận tải ban hành Thông tư số 48/2014/TT-BGTVT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 46/2012-BGTVT ngày 07/11/2012 quy định về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe đường bộ, trong đó có việc công nhận giấy phép lái xe quốc tế của các nước đã tham gia Công ước Vienna được sử dụng tại Việt Nam. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/12/2014.
GPLX quốc tế được cấp tại Việt Nam được in theo mẫu thống nhất của Công ước Vienna là dạng quyển có nhiều trang (giống hộ chiếu) gồm 5 thứ tiếng là Anh, Pháp, Nga, Tây Ban Nha và tiếng Việt, trong đó ghi rõ loại ôtô, môtô mà người có GPLX quốc tế được điều khiển. Phôi mẫu GPLX quốc tế do Bộ Công an xây dựng có tính bảo mật cao và đảm bảo thống nhất với mẫu chung của Công ước.
* Những lý do nên có giấy phép lái xe quốc tế:
+ Người Việt Nam ra nước ngoài nếu có GPLX quốc tế do cơ quan có thẩm quyền trong nước cấp sẽ được điều khiển phương tiện mà không phải làm thủ tục xin cấp bằng lái xe của nước sở tại như trước đây. Và điều này cũng áp dụng tương tự đối với người nước ngoài đến Việt Nam.
+ Người sử dụng GPLX quốc tế khi lái xe nếu được cơ quan kiểm soát giao thông ở nước sở tại yêu cầu xuất trình GPLX thì xuất trình theo yêu cầu để họ kiểm tra mà không cần phải đăng ký trước với cơ quan quản lý giao thông ở nước đó về việc có GPLX quốc tế. Người sử dụng GPLX quốc tế có thể lái xe qua nhiều nước (áp dụng đối với những nước Châu Âu).
+ Đối với các nước tham gia Công ước Vienna đang sử dụng xe tay lái nghịch thì người có giấy phép lái xe quốc tế của nước đã tham gia Công ước được phép điều khiển xe tay lái nghịch mà không cần phải làm thêm thủ tục gì khác.
+ Trong một số trường hợp, giấy phép lái xe quốc tế có thể còn được chấp nhận như một thẻ căn cước thay cho hộ chiếu. (Ví dụ: sử dụng GPLX quốc tế để thuê phòng khách sạn, làm một số thủ tục khác…)
* Thủ tục cấp giấy phép lái xe quốc tế:
+ GPLX quốc tế được cấp song song với GPLX quốc gia. Người đã có giấy phép lái xe quốc gia sẽ được cấp giấy phép lái xe quốc tế nếu có yêu cầu, không phải học hoặc thi lại để cấp.
+ Người có nhu cầu cấp giấy phép lái xe quốc tế đến Cơ quan quản lý giao thông có thẩm quyền (Tổng cục đường bộ, Sở Giao thông vận tải các tỉnh, thành phố) nộp giấy phép lái xe quốc gia còn thời hạn và đơn xin cấp (theo mẫu).
+ Mức phí cấp GPLX quốc tế: khoảng từ 135.000 đồng đến 155.000 đồng.
+ Thời hạn sử dụng GPLX quốc tế là từ 1 đến 3 năm (theo quy định chung của công ước).
+ Thời gian thực hiện cấp GPLX quốc tế: Bắt đầu từ quý II/2015. GPLX quốc tế sẽ được cấp thí điểm ở Tổng cục đường bộ và Sở Giao thông vận tải Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng và một số tỉnh thành khác có nhu cầu lớn.
+ Thông tư quy định việc ban hành mẫu GPLX quốc tế cùng quy định về trình tự thủ tục quản lý, cấp phát GPLX này sẽ được Bộ GTVT ban hành trong quý I/2015.