Người chưa mua xe và đã mua Toyota đều có cảm giác xe của hãng này sẽ không bao giờ mất giá.
Lý do cho đợt tăng giá mới nhất của hãng xe Nhật là vì tỷ giá đồng USD biến động. Nhưng nếu thế thì toàn bộ ngành xe hơi phải tăng giá bởi hãng nào cũng đều nhập linh kiện về lắp. Nhưng vì sao chỉ Toyota mới làm điều đó?
Bản thân tôi đang đi xe Nhật, nhưng không phải Toyota. Thiên hạ nói, người đã có tiền mua ôtô, thì người ta đủ khôn ngoan để đưa ra quyết định đúng đắn. Đúng! Quyết định mua xe Toyota của các bạn không sai, nhưng cái sai là ngày càng nhiều người phải “cố đấm ăn xôi” để mua xe hãng này, mặc cho giá vù vù tăng, vượt qua giá trị thực của sản phẩm.
Toyota tự tin khai thác tâm lý khách hàng Việt, một cách khôn ngoan. Toyota vừa đưa ra đợt tăng giá thứ hai cho các sản phẩm trong 2015, trong đó đều tăng cao khoảng 30-60 triệu tùy mẫu xe và phiên bản. Hãy xem Toyota được gì khi làm điều này.
Thứ nhất, với những người chưa mua xe, họ sẽ có cảm giác chất lượng xe ngày càng cao, nên giá mới tăng nhanh như thế. Mà với người Việt xe là cả gia tài, nên dù giá có cao, cũng phải cố gắng vay mượn thêm để mua được.
Thứ hai, với khách hàng đã mua xe, họ sẽ không có cảm thấy xe mình bị mất giá, vì người mua sau sẽ phải mua đắt hơn người mua trước. Từ đó, giá trị bán lại của càng đẩy lên cao.
Sẽ không bao giờ có chuyện Toyota giảm giá, trừ trường hợp riêng lẻ cho từng mẫu hoặc thời điểm cụ thể. Còn về xu hướng chung, hãng này chưa bao giờ giảm giá niêm yết nếu không có điều chỉnh về mặt chính sách.
Nhìn sang đối thủ Trường Hải sẽ thấy. Khi thông tin về việc hãng này giảm giá xe ở tất cả các thương hiệu Kia, Mazda, Peugeot đăng tải trênVnExpress, rất nhiều độc giả bình luận, rằng sẽ không dám mua xe Trường Hải, vì sợ xe mất giá nhanh, tháng trước mua một tỷ, tháng sau đã xuống 950 triệu.
Trường Hải đang ở giai đoạn chiếm thị trường, nên cách làm giá như thế là hoàn toàn phù hợp. Còn Toyota đã định vị được thương hiệu, nên hãng này dựa vào giá trị vô hình đó để liên tục nâng giá. Cho dù có thể chất lượng vẫn giữ nguyên.
Về chất lượng giữa các thương hiệu với nhau, ở thời đại này mạng lưới sản xuất xe sâu rộng, nên các hãng tiến tới gần hơn. Đơn cử ví như trường hợp túi khí Takata bị lỗi đã ảnh hưởng tới hàng loạt các ông lớn từ Âu, Á tới Mỹ.