Hàng hóa vận tải đa phương thức quốc tế được miễn kiểm tra thực tế hải quan, trừ một số trường hợp nếu nghi ngờ có dấu hiệu vận chuyển ma túy, vũ khí và các loại hàng cấm khác.
Miễn kiểm tra thực tế hải quan với các hàng hóa vận tải đa phương thức quốc tế là một trong những nội dung quan trọng trong Nghị định về vận tải đa phương thức vừa được Chính phủ ban hành.
Nghị định 87/2009/NĐ-CP về vận tải đa phương thức vừa được Chính phủ ban hành thay thế Nghị định 125/2003/NĐ-CP về vận tải đa phương thức quốc tế sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 15/12/2009. “Vận tải đa phương thức” là việc vận chuyển hàng hóa bằng ít nhất hai phương thức vận tải khác nhau trên cơ sở một hợp đồng vận tải đa phương thức.
Theo Nghị định mới, Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về vận tải đa phương thức.
Việc cấp giấy phép kinh doanh vận tải đa phương thức quốc tế (có giá trị 5 năm kể từ ngày cấp) thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải. Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Bộ GTVT cấp giấy phép cho doanh nghiệp. Theo Nghị định 125/2003/NĐ-CP cũ, việc cấp giấy phép trong một số trường hợp thuộc thẩm quyền của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và thời hạn cấp giấy phép là 60 ngày. Các tổ chức đã được cấp giấy phép kinh doanh vận tải đa phương thức còn thời hạn theo Nghị định 125/2003/NĐ-CP phải làm thủ tục xin cấp lại giấy phép sau khi hết hạn hiệu lực của giấy phép.
Cũng theo Nghị định mới này, doanh nghiệp, hợp tác xã Việt Nam, doanh nghiệp nước ngoài đầu tư tại Việt Nam chỉ được kinh doanh vận tải đa phương thức quốc tế khi có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, trong đó có đăng ký ngành nghề kinh doanh vận tải đa phương thức quốc tế, tài sản tối thiểu tương đương 80.000 SDR hoặc có bảo lãnh tương đương, có bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp vận tải đa phương thức hoặc có bảo lãnh tương đương và có Giấy phép kinh doanh vận tải đa phương thức quốc tế.
Doanh nghiệp của các quốc gia là thành viên Hiệp định khung ASEAN về vận tải đa phương thức hoặc là doanh nghiệp của quốc gia đã ký điều ước quốc tế với Việt Nam về vận tải đa phương thức chỉ được kinh doanh loại hình vận tải này khi được cấp phép hoặc được đăng ký kinh doanh vận tải đa phương thức quốc tế tại cơ quan có thẩm quyền của nước đó và có bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp vận tải đa phương thức hoặc có bảo lãnh tương đương, có Giấy phép kinh doanh vận tải đa phương thức quốc tế của Việt Nam.
Nghị định mới cũng quy định những trường hợp người kinh doanh vận tải đa phương thức không phải chịu trách nhiệm về tổn thất do mất mát, hư hỏng hoặc giao trả hàng chậm nếu chứng minh được nguyên nhân bất khả kháng, hoặc do sự chểnh mảng của người gửi hàng, người nhận hàng, đình công, bị ngăn chặn sử dụng một bộ phận nhân công…
Người kinh doanh vận tải đa phương thức chỉ chịu trách nhiệm trong mọi trường hợp nào về mất mát hoặc hư hỏng hàng hóa với mức tối đa tương đương 666,67 SDR cho một đơn vị, hoặc 2,00 SDR cho một kg trọng lượng cả bì của hàng hóa, tùy theo cách tính nào cao hơn.
“Vận tải đa phương thức” là việc vận chuyển hàng hóa bằng ít nhất hai phương thức vận tải khác nhau trên cơ sở hợp đồng vận tải đa phương thức.
“Vận tải đa phương thức quốc tế” là vận tải đa phương thức từ nơi người kinh doanh vận tải đa phương thức tiếp nhận hàng hóa ở Việt Nam đến một địa điểm được chỉ định giao trả hàng ở nước khác và ngược lại.
“Vận tải đa phương thức nội địa” là vận tải đa phương thức được thực hiện trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam.