Hàng nguy hiểm là hàng hóa có chứa các chất nguy hiểm khi vận chuyển có khả năng gây nguy hại tới tính mạng, sức khỏe con người, môi trường, an toàn và an ninh quốc gia.
Theo tính chất hóa, lý, hàng nguy hiểm lại được phân thành 9 loại sau đây:
– Loại 1: Các chất nổ; các chất và vật liệu nổ công nghiệp.
– Loại 2: Khí ga dễ cháy; khí ga không dễ cháy, không độc hại; khí ga độc hại.
– Loại 3: Các chất lỏng dễ cháy và các chất nổ lỏng khử nhậy.
– Loại 4: Các chất đặc dễ cháy; các chất tự phản ứng và các chất nổ đặc khử nhậy; các chất dễ tự bốc cháy; các chất khi gặp nước phát ra khí ga dễ cháy.
– Loại 5: Các chất ôxy hóa; các hợp chất ô xít hữu cơ.
– Loại 6: Các chất độc hại; các chất lây nhiễm.
– Loại 7: Các chất phóng xạ .
– Loại 8: Các chất ăn mòn.
– Loại 9: Các chất và hàng nguy hiểm khác.
Vận chuyển hàng nguy hiểm liên quan đến nhiều bộ, ngành khác nhau. Việc cấp giấy phép vận chuyển do từng bộ, ngành cấp tùy thuộc vào loại hàng hóa nguy hiểm. Vận chuyển hàng nguy hiểm phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh của lực lượng vũ trang do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an quy định.
– Bộ Công an cấp Giấy phép vận chuyển hàng nguy hiểm loại 1, loại 2, loại 3, loại 4 và loại 9.
– Bộ Khoa học và Công nghệ cấp Giấy phép vận chuyển hàng nguy hiểm loại 5, loại 7, loại 8.
– Bộ Y tế cấp Giấy phép vận chuyển hàng nguy hiểm đối với các hóa chất độc dùng trong lĩnh vực y tế và hóa chất diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng.
– Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp Giấy phép vận chuyển hàng nguy hiểm là các chất bảo vệ thực vật. Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp Giấy phép vận chuyển hàng nguy hiểm đối với các hóa chất độc nguy hiểm còn lại trong các loại, nhóm hàng nguy hiểm.
Tổ chức cá nhân khi vận chuyển hàng hóa nguy hiểm phải làm gì?
Trước khi vận chuyển hàng hóa nguy hiểm các tổ chức và cá nhân phải có phiếu an toàn hóa chất là tài liệu do nhà sản xuất hoặc nhập khẩu thiết lập cung cấp, được in bằng tiếng Việt có đầy đủ các thông tin sau: Nhận dạng hóa chất; Nhận dạng đặc tính nguy hiểm của hóa chất; Thông tin về thành phần các chất; Đặc tính lý, hóa của hóa chất; Mức độ ổn định và khả năng hoạt động của hóa chất; Thông tin về độc tính; Thông tin về sinh thái; Biện pháp sơ cứu về y tế; Biện pháp xử lý khi có hoả hoạn; Biện pháp phòng ngừa, ứng phó khi có sự cố; Yêu cầu về cất giữ; Tác động lên người và yêu cầu về thiết bị bảo vệ cá nhân; Yêu cầu trong việc thải bỏ; Yêu cầu trong vận chuyển; Quy chuẩn kỹ thuật và quy định pháp luật phải tuân thủ; Các thông tin cần thiết khác..
Yêu cầu đối với bao bì, thùng chứa hoặc container
Việc đóng gói hàng nguy hiểm, bao bì, thùng chứa hóa chất nguy hiểm phải phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện hành về bao gói hóa chất nguy hiểm dùng trong sản xuất công nghiệp hoặc tiêu chuẩn quốc tế được Bộ Công Thương thừa nhận.
Bao bì, thùng chứa hàng nguy hiểm phải có nhãn hàng hoá theo quy định tại Nghị định số 89/2006/NĐ-CP ngày 30 tháng 6 năm 2006 của Chính phủ về nhãn hàng hóa và các quy định hiện hành về ghi nhãn hàng hóa là hóa chất nguy hiểm.
Phương tiện vận chuyển hóa chất phải đáp ứng các quy định sau:
Phương tiện vận chuyển phải có dụng cụ, trang thiết bị phòng cháy, chữa cháy phù hợp với hóa chất khi vận chuyển. Có mui, bạt che phủ kín, chắc chắn toàn bộ khoang chở hàng bảo đảm không thấm nước trong quá trình vận chuyển. Kích thước của biểu trưng hàng nguy hiểm dán trên phương tiện là 500mm x 500mm. Không được dùng xe rơ-móc để vận chuyển hóa chất. Không được vận chuyển các hóa chất có khả năng phản ứng với nhau trên cùng một phương tiện. Không được vận chuyển hóa chất cùng với hành khách, vật nuôi, lương thực, thực phẩm, các chất dễ gây cháy, nổ và các hàng hóa khác.
Phương tiện vận chuyển phải dán biểu trưng nguy hiểm của loại hàng, nhóm hàng vận chuyển. Nếu cùng một phương tiện vận chuyển nhiều loại hàng nguy hiểm khác nhau tại một thời điểm thì trên phương tiện vận chuyển đó phải dán đủ các biểu trưng nguy hiểm của các loại hàng đó. Vị trí dán biểu trưng ở hai bên và phía sau phương tiện. Bên dưới biểu trưng này phải dán báo hiệu nguy hiểm có hình dạng, kích thước, màu sắc quy định. Nếu không tiếp tục vận chuyển loại hàng nguy hiểm thì phải xóa hoặc bóc các biểu trưng nguy hiểm, tẩy rửa, khử các hóa chất độc hại còn lại trên phương tiện
Quy định về quá trình vận chuyển hóa chất
Người điều khiển phương tiện vận chuyển phải có giấy phép điều khiển còn hiệu lực, đồng thời phải có chứng chỉ chứng nhận đã được huấn luyện an toàn hóa chất do Bộ Công Thương cấp. Có trách nhiệm kiểm tra hàng nguy hiểm trước khi vận chuyển, phải đảm bảo an toàn vận chuyển theo quy định; chấp hành đầy đủ thông báo của người gửi hàng và những quy định ghi trong giấy phép vận chuyển hàng nguy hiểm; chỉ tiến hành vận chuyển khi có đủ giấy phép, biểu trưng và biển báo nguy hiểm theo quy định.
Trong quá trình vận chuyển hóa chất, người điều khiển phương tiện vận chuyển hóa chất phải tuân thủ các quy định sau: Phải di chuyển theo đúng lịch trình ghi trong hợp đồng hoặc giấy tờ khác có liên quan về vận chuyển hóa chất giữa chủ phương tiện và chủ sở hữu hàng hóa; Không được dừng, đỗ xe với khoảng cách dưới một trăm mét (100m) so với nơi tập trung đông người như chợ, siêu thị, nơi đang tổ chức lễ, hội, trường học, bệnh viện hoặc nguồn nước sinh hoạt.
Căn cứ thông tư số: 25/2010/TT-BKHCN, ngày 29 tháng 12 năm 2010, của Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn thủ tục cấp giấy phép vận chuyển hàng nguy hiểm. Quy định tại điều 12, quy định trách nhiệm của Sở Khoa học và Công nghệ các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức thẩm xét hồ sơ và cấp Giấy phép vận chuyển hàng nguy hiểm cho doanh nghiệp. Phối hợp với ngành chức năng (thanh tra giao thông vận tải, công thương, công an,…) thanh tra, kiểm tra việc vận chuyển hàng nguy hiểm của doanh nghiệp đã được cấp giấy phép vận chuyển.
Các chất nguy hiểm thuộc ngành khoa học quản lý khi vận chuyển là các chất ôxy hoá, các hợp chất ô xít hữu cơ (loại 5), các chất phóng xạ (loại 7) và các chất ăn mòn (loại 8).
Doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có hàng nguy hiểm cần vận chuyển hoặc doanh nghiệp thực hiện vận chuyển hàng nguy hiểm lập 01 bộ hồ sơ gửi về Sở Khoa học và Công nghệ. Hồ sơ bao gồm 7 nội dung sau: Đơn đề nghị cấp Giấy phép vận chuyển hàng nguy hiểm; Danh sách phương tiện vận chuyển, người điều khiển phương tiện, người áp tải; Danh mục lịch trình vận chuyển, loại hàng nguy hiểm vận chuyển, tổng trọng lượng hàng nguy hiểm cần vận chuyển; Bản cam kết của doanh nghiệp; Lệnh điều động vận chuyển; Bản cam kết của người vận tải (trong trường hợp doanh nghiệp thuê phương tiện vận chuyển của doanh nghiệp khác); Phiếu an toàn hóa chất quy định.
Doanh nghiệp phải nộp kèm theo hồ sơ bản sao hợp lệ các tài liệu sau: Tiêu chuẩn áp dụng đối với dụng cụ chứa hàng nguy hiểm do doanh nghiệp công bố; Phiếu kết quả thử nghiệm phù hợp với tiêu chuẩn công bố áp dụng của dụng cụ chứa hàng nguy hiểm do tổ chức thử nghiệm đã đăng ký lĩnh vực hoạt động thử nghiệm theo quy định tại Thông tư số 08/2009/TT-BKHCN ngày 08 tháng 4 năm 2009 của Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn về yêu cầu, trình tự, thủ tục đăng ký hoạt động đánh giá sự phù hợp cấp.
– Trong thời hạn bảy (07) ngày làm việc, kể từ khi nhận được hồ sơ đầy đủ, hợp lệ, Sở Khoa học và Công nghệ các tỉnh Bắc Giang sẽ tổ chức thẩm xét hồ sơ và cấp Giấy phép vận chuyển hàng nguy hiểm cho doanh nghiệp. Trường hợp hồ sơ chưa đáp ứng các yêu cầu quy định, trong thời hạn ba (03) ngày làm việc kể từ khi nhận được hồ sơ, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh có trách nhiệm thông báo bằng văn bản tới doanh nghiệp để bổ sung, hoàn thiện hồ sơ. Giấy phép vận chuyển được cấp theo hồ sơ đăng ký cấp giấy phép vận chuyển hàng nguy hiểm của doanh nghiệp. Thời hạn hiệu lực của giấy phép vận chuyển không quá 12 tháng, kể từ ngày cấp.
Hiện nay trên địa bàn tỉnh Bắc Giang có các nhà máy sản xuất hàng hóa có chứa chất nguy hiểm, có nhu cầu vận chuyển, như: Nhà máy phân đạm và hóa chất Hà Bắc, Công ty TNHH Việt Thắng,…Các tổ chức cá nhân cần thiết lập thủ tục xin cấp giấy phép vận chuyển hàng hóa nguy hiểm bảo đảm đúng quy định của pháp luật. Nếu trong quá trình vận chuyển hàng hóa nguy hiểm xảy ra sự cố bất ngờ như tai nạn giao thông, cháy nổ, chảy các hóa chất độc hại…thì việc giúp đỡ, hỗ trợ sẽ không kịp thời, lúng túng các phương án giải quyết. Đặc biệt, tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm và hậu quả gây ra sẽ bị thu hồi giấy phép vận chuyển, xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật./.