Thay vì đóng góp ý kiến để xây dựng nét đẹp văn hóa giao thông tốt hơn, phần lớn tài xế Việt chỉ trích người khá cho hả hê, trong khi chính mình cũng mắc lỗi.
Đọc bài viết về đạp nhầm chân ga, tôi thấy trong tất cả các bình luận của độc giả, may chăng đếm được trên đầu ngón tay những bình luận có nội dung mang tính xây dựng. Ai cũng cho rằng bài viết là ngụy biện, rằng tôi giỏi, tôi có kinh nghiệm thì không bao giờ đạp nhầm chân ga.
Trước hết bài viết đó rõ ràng không mang tính chỉ trích cá nhân, hay đổ thừa cho hoàn cảnh. Dựa trên những bằng chứng, số liệu khách quan ở hai đất nước có truyền thống lái xe là Nhật và Mỹ để phân tích. Đồng thời, bài viết chỉ ra tâm lý của người đạp nhầm chân ga, họ rơi vào trạng thái nào khi đạp nhầm như thế.
Tôi không tìm thấy chỗ nào đổ lỗi cho tài già hay tài trẻ, người non kinh nghiệm hay giàu kinh nghiệm. Các bạn nên nhớ, tâm lý thì ai cũng như nhau, đều có lúc này lúc kia. Còn tâm lý đa phần các tài xế Việt là đọc, bình luận tiêu cực phủ đầu, mà không suy xét, liệu có khi nào mình cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự?
Không chỉ ở bài đạp nhầm chân ga này. Trong khá nhiều bài viết trên diễn đàn Xe của VnExpress, phê phán những tính xấu của tài xế Việt, không hiểu vì lý do gì các bạn vào nhảy dựng lên phản đối.
Ví như vượt đèn đỏ 5 giây, rất nhiều người vào nói rằng, tôi có lý do vì nếu không vượt, đằng sau bấm còi; nếu không vượt thì sẽ tắc đường tại ngã tư; vượt vì trời quá nắng… Hay nhỉ, các bạn đổ lỗi cho những thứ vô cùng chủ quan, vậy cứ theo ý thích cá nhân là làm sai luật sao?
Tôi đã gặp những trường hợp, khi chia sẻ trên facebook, kể chuyện cho bạn bè nghe thì ra rả rằng hôm nay có người tạt đầu mình, có người chạy lấn làn, quá tốc độ… Nhưng đến khi tôi ngồi cùng xe họ, thì cũng chẳng khác gì những người kia, vậy chỉ trích để làm gì?
Vấn đề các độc giả đưa ra là để mọi người cùng thảo luận, góp ý những biện pháp cho tốt hơn, chứ không phải để cùng ngồi chê nhau, dìm giao thông Việt Nam xuống. Đạp đổ thì ai cũng làm được, xây dựng mới khó.