Luật giao thông đường bộ và các văn bản pháp luật liên quan như Nghị định 109/2009 NĐ – CP, Thông tư liên tịch 04/2012/TTLT – BCA – BTC đều quy định rất rõ về xe ưu tiên, tín hiệu của xe được quyền ưu tiên.
Bài viết không đi sâu phân tích nguyên nhân hay đề ra giải pháp mà chỉ nêu các hiện tượng được cho là bức xúc trong giao thông để mọi người cùng chiêm nghiệm.
1. Đầu gấu:
Đầu gấu – Dân anh chị – Dân xã hội là tên gọi chung của đối tượng giang hồ cộm cán, có thể đã vào tù ra khám như cơm bữa với các tội danh cướp, giết, hiếp… Người dân bình thường nhìn thấy những thanh/trung niên mặt mày dữ tợn, bặm trợn, đầu cạo trọc lốc hoặc húi cua, săm trổ xanh lè, loằng ngoằng các hình thù quái đản như: rắn, rết, ba ba, cá sấu thuồng luồng, rồng, phượng, đại bàng, hổ, báo… thì không ái ngại sao được. Dây vào là họa! Vậy, trong tham gia giao thông, gọi là “ưu tiên” cũng được, nhịn cũng được, miễn sao an lành.
2. Kẻ máu lạnh:
Đối tượng này chưa nhiều thành tích bất hảo, “số má” không bằng dân anh chị. Chúng đang “phấn đấu” và thường được thu nạp làm đàn em, trực tiếp ra tay hành động trong chuỗi tội ác bạo lực liên quan tới xã hội đen có tổ chức. Hình thức nhận dạng gần như “dân anh chị”, nhưng chưa hoành bằng. Khó đoán và nguy hiểm hơn rất nhiều.
Có trường hợp khi va chạm giao thông, tài xế thấy đối tượng nhỏ con, mặt xanh màu da nhái, tưởng ngon ăn, nên túm cổ, túm tóc hăm doạ này nọ. Vâng, em biết lỗi, em xin lỗi, anh tha… Chưa hết câu, máu lạnh đã rút đồ nóng thủ từ trước trong người ra đâm thun thút vào tài xế “to còi” xấu số.
Đặc điểm của kẻ máu lạnh đã rút đồ là không bao giờ đâm một nhát. Đâm một nhát không có giá trị trong giang hồ, bạc nhược! Đã đâm là đâm liên tiếp, đâm chí mạng! Vì vậy các tài xế đừng nhìn đối tác có vẻ ngon ăn mà chủ quan bắt nạt. Chúng là những kẻ ngồi bệt, đi bằng vành; còn ta có gia đình hạnh phúc, ấm êm và sự nghiệp phía trước. Hãy giữ bình tĩnh, không nên sửng cồ, không nên giải quyết bằng nắm đấm.
3. Bày đàn:
Chúng là trẻ trâu, tóc xanh tóc đỏ, độ tuổi vị thành niên, trải khắp thành thị tới vùng quê, dễ bị a dua, kích động. Khi tham gia giao thông, chúng đi một mình thì ít manh động, nếu đi đông, nhất là đi cùng bạn gái thì máu iêng hùng theo kiểu chó đàn nổi lên, rất khó kiểm soát hành vi. Chúng sẵn sàng xông vào oánh hội đồng một cách vô thức. Người đi đường gặp bọn nghịch tử càn quấy này thì nên né, không nên chấp.
4. Thích ăn vạ:
Đối tượng này có ở mọi đội tuổi và không phân biệt giới tính. Chúng thường nghiện ngập bia rượu và hay mượn chén. Khi ngà say, bản chất “đầu bù, răng bựa”, ngoạc mồm, cào người ăn vạ được thể hiện rõ nét nhất. Người lương thiện tham gia giao thông chắc chắn sẽ thua chúng. Tốt nhất chịu thiệt, nhường trước cho đỡ rách việc.
5. Xe khách, xe buýt, xe tải cỡ lớn:
Chỉ có hai từ: Tránh xa! Bà con đi xe máy càng nên tránh xa, nhường tuyệt đối, chớ bon chen! Ngay cả chiếc xe nhỏ gọn, nhưng không hiền lành như taxi, bà con cũng nên nhường.
6. Xe gắn phù hiệu:
Xe không thuộc sở hữu nhà nước (xe biển trắng) gọi nôm na là xe tư nhân. Mấy năm gần đây rộ lên phong trào gắn phù hiệu, kích thước bằng nửa tờ giấy A4 trên kính lái với đủ màu sắc xanh đỏ tím vàng, đủ chữ ABCD cùng Quốc huy, Quốc hiệu, Biểu trưng của ngành, tên đơn vị chủ quản.
Theo Luật thì chẳng xe tư nhân nào đeo phù hiệu được ưu tiên khi tham gia giao thông cả. Thực tế, có một số xe tư nhân mang phù hiệu công vụ, nhưng không phải là để ưu tiên đi quá tốc độ, ưu tiên đi vào đường cấm, đường ngược chiều, chạy ẩu..mà để các đơn vị làm nhiệm vụ trên đường tạo điều kiện công tác, cầu đường bến bãi không phải mất phí.
Còn lại những xe tư nhân mang phù hiệu là để gửi xe ở cơ quan hoặc yêu cầu an ninh trong các sự kiện như tham dự lễ thông xe, khánh thành công trình trọng điểm; Tham dự Lễ hội văn hoá; Tham dự sự kiện chinh trị… Phù hiệu loại này đều có tem chống giả của Bộ công an, có thời hạn, mặt sau ghi rõ “không có giá trị khi tham gia giao thông”.
Thực tế, ngoài đường chúng ta thấy rất nhiều xe tư nhân “hơi bị lợi dụng” phù hiệu, đặc biệt là những phù hiệu do đơn vị chủ quản là cơ quan quyền lực cấp cho cán bộ nhân viên để họ được để xe trong những khu vực bảo vệ, được qui định trong cơ quan mình. Có những phù hiệu đã hết hạn từ năm hai nghìn không trăm lâu lắm, nhưng chủ nhân không trả lại hoặc không huỷ mà ép plastic, tiếp tục gìn giữ bảo quản như mới, hàng ngày vẫn treo lên kính lái ở vị trí trang trọng nhất, để làm gì?
Việc lạm dụng treo phù hiệu khi tham gia giao thông cũng như việc “khoe” quá lộ liễu mũ Công an làm hình thức “răn đe” hoặc qua đó có sự “nể nang, né tránh” của lực lượng thực thi nhiệm vụ trên đường có thể coi là “lợi dụng vị trí công tác”, thậm chí “vụ lợi”, gây bất bình đẳng trong tham gia giao thông.