Đại diện Hội Tiêu chuẩn & Bảo vệ người tiêu dùng cho rằng cạnh tranh theo thị trường là giải pháp tốt nhất giúp xử lý tình trạng doanh nghiệp vận tải chây ỳ dù giá xăng đã giảm.
Phó tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn & Bảo vệ người tiêu dùng – Vương Ngọc Tuấn vừa có cuộc trao đổi với VnExpress xung quanh câu chuyện cước vận tải gần như đứng yên sau 5 lần giảm liên tiếp của giá xăng dầu.
– Trong khi giá bán lẻ xăng dầu đã giảm mạnh trong 3 tháng qua, nhiều doanh nghiệp vận tải vẫn chần chừ hạ cước khiến dư luận bức xúc. Là cơ quan bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, quan điểm của ông thế nào?
– Đây không phải chuyện mới. Nửa cuối năm 2014, câu chuyện giá xăng liên tiếp giảm mà cước vận tải chỉ điều chỉnh “cho có” đã trở thành đề tài tranh luận.
Thực tế từ 19/6, giá bán lẻ xăng RON 92 đã giảm 5 lần liên tiếp, tổng cộng 3.380 đồng một lít, tương đương khoảng 16,3%. Xăng dầu vốn là đầu vào quan trọng của vận tải, chiếm 30-40% giá thành. Trong khi đó từ giữa tháng 6 đến nay, giá cước vận tải nói chung, hay taxi nói riêng không hề giảm. Tôi cho rằng điều này không tuân theo điều tiết của thị trường, cũng như không tôn trọng người tiều dùng, khiến chúng ta phải chịu thiệt.
– Trả lời báo chí, một phó chủ tịch hiệp hội vận tải nói “đang chờ mặt bằng giá xăng ổn định” thì mới điều chỉnh cước. Ông đánh giá thế nào về phát biểu này?
– Là đầu vào quan trọng, khi giá xăng tăng hay giảm thì việc điều chỉnh giá cước vận tải là điều hiển nhiên. Trong tháng 5/2015, khi giá xăng lập đỉnh, nhiều đơn vị taxi đã gửi công văn đến Sở Tài chính địa phương kê khai tăng 500 đồng một km, tương ứng 5-6%. Ví dụ như tại TP HCM, Vinasun và Mai Linh đã kê khai tăng giá 3-4%. Tại Hà Nội, Taxi Group tăng 3,6%…
Vì thế, tôi không thể hiểu nổi tại sao phải chờ mặt bằng giá xăng ổn định thì mới điều chỉnh cước vận tải. Sao lúc xăng tăng giá thì vận tải không chờ “mặt bằng giá xăng ổn định”?
Trong một thị trường cạnh tranh, doanh nghiệp nói chung hay các công ty vận tải nói riêng khi gặp khó khăn cần phải đổi mới cách thức kinh doanh, quản lý; chấp nhận cạnh tranh lành mạnh. Taxi Việt Nam hiện có tỷ lệ xe rỗng chạy trên đường 30–50%. Vậy các hãng và cơ quan quản lý cần có giải pháp để tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả chứ không để người tiêu dùng phải gánh.
Giá thành vận tải, là taxi cũng chưa minh bạch. Tôi cho rằng cần công khai để các nhà khoa học, các chuyên gia xem xét xem cước taxi ở Việt Nam hiện hợp lý không. Cước taxi trung bình ở TP HCM là khoảng 14.000 đồng mỗi km, Hà Nội là 11.000 đồng. Trong khi đó, ở Bangkok (Thái Lan) chỉ là 3.800 đồng, Manila là 5.700 đồng, Jakarta là 6.300 đồng hay Singapore cũng chỉ 8.700 đồng.
– Vậy ông có thể đề xuất gì để xử lý tình trạng “nước lên thì thuyền lên” mà “nước xuống thì thuyền mãi không chịu xuống” này?
– Thực tế, Bộ Tài chính cũng đã yêu cầu doanh nghiệp kê khai lại giá, hứa kiểm tra, xử lý nghiêm; Bộ Giao thông cũng thúc giục doanh nghiệp giảm cước… nhưng cũng cần phải thấy rõ, những chính sách này có độ trễ nhất định trong thực hiện. Xăng đã bắt đầu giảm 3 tháng nay, song người tiêu dùng chưa thấy cước vận tải giảm rõ rệt.
Giải pháp lâu dài vẫn nằm ở việc thực hiện cơ chế cạnh tranh theo thị trường. Tôi rất tâm đắc với phát biểu gần đây của một đại diện Bộ Công Thương: “Chúng ta không thể áp đặt mệnh lệnh hành chính để buộc kéo giá xuống. Cơ chế thị trường là bàn tay vô hình mà ở đó cạnh tranh tạo ra bức tranh thị trường. Khi có sự cạnh tranh giữa các sản phẩm thì bắt buộc cần tăng sẽ tăng, phải giảm ắt sẽ giảm”.
Quyết định gần đây của Bộ Giao thông Vận tải cho phép thí điểm dịch vụ gọi xe kiểu mới là một bước tiến. Đây có thể là một giải pháp tăng cường sức cạnh tranh trong ngành vận tải, buộc các doanh nghiệp taxi phải đổi mới, áp dụng công nghệ, qua đó tăng tính cạnh tranh.
Có cạnh tranh, giảm tỷ lệ xe rỗng chạy trên đường, kết nối hiệu quả hơn với hành khách thì mới giảm được giá cước vận tải. Khi ấy các doanh nghiệp mới không còn chây ỳ, đợi đến lúc các cơ quan Nhà nước thúc ép bằng các biện pháp hành chính thì mới làm cho lấy lệ.
– Vậy còn Hội Tiêu chuẩn & Bảo vệ người tiêu dùng, các ông có thể làm gì để thúc đẩy quá trình này?
– Người tiêu dùng cần lên tiếng để bảo vệ quyền lợi của bản thân, buộc các doanh nghiệp vận tải phải thay đổi về nhận thức và cách thức kinh doanh.
Đại diện cho quyền lợi của các hội viên, chúng tôi vẫn theo dõi sát diễn biến tình hình, tiếp tục gửi kiến nghị lên các cơ quan hữu quan, cộng đồng doanh nghiệp, yêu cầu họ chấp nhận cạnh tranh lành mạnh, dỡ bỏ thế độc quyền. Ngoài ra, hiệp hội cũng sẽ giám sát việc thực hiện kê khai và niêm yết giá của doanh nghiệp, tránh tình trạng chây ỳ, không giảm giá.