Trong khi các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu hồ hởi chờ đợi phương án điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu theo tháng thì ngành vận tải lại lo ngay ngáy về cách điều hành giá cước. Bởi các doanh nghiệp taxi chỉ được chỉnh đồng hồ 6 tháng/lần và phải thông qua kiểm định.
“Điều chỉnh giá trong 1 tháng, các doanh nghiệp kinh doanh vận tải không thể chạy theo được”, ông Đinh Quang Hiền, Chủ tịch Hiệp hội Taxi TP HCM, bức xúc. Trên thực tế, các doanh nghiệp vận tải thường ký hợp đồng vận chuyển cho cả năm, phương án giá phải được xây dựng từ trước mới ký hợp đồng được. “Với taxi, mỗi lần điều chỉnh giá là phải thay đổi lại toàn bộ phần mềm đồng hồ điện tử. Nhưng đồng hồ này phải kiểm định 6 tháng một lần tại Cục Đăng kiểm (Bộ Giao thông Vận tải). Một tháng thay đổi giá một lần chỉ có “chết”, ông Hiền nói.
Không chủ động được phương án giá đang là nỗi lo chung của nhiều doanh nghiệp kinh doanh vận tải. Bà Nguyễn Thị Kiều Oanh, Giám đốc Công ty Taxi tải Khôi Nguyên, cho biết, qua mấy đợt tăng giá xăng dầu năm qua, công ty đã phải chịu bớt lợi nhuận để tăng trợ cấp giá xăng dầu cho tài xế tính theo tỷ lệ ăn chia. Chẳng hạn, thay vì trước kia tỷ lệ ăn chia 30-70, nay tỷ lệ bình quân là 34-66.
Với những cuốc đi xa hoặc chạy đột xuất, nhiều khi tỷ lệ ăn chia 50-50. “Cái khó nhất là, giữa công ty và lái xe thì có thể thương thảo, nhưng với khách hàng thì rất khó. Qua mấy đợt tăng giá xăng dầu vừa qua, hầu như không thương thảo tăng giá được với khách hàng. Do vậy nếu tăng giá thì chỉ có mất khách”, bà nói.
Hiện Khôi Nguyên có gần 100 công ty, doanh nghiệp là khách hàng vận chuyển thường xuyên, theo dạng cuối tháng mới xuất hóa đơn thu tiền. Số này đa số ký hợp đồng tối thiểu từ 1 năm trở lên. Nếu tăng giá ngang giữa chừng, sẽ có nguy cơ họ ngưng hợp đồng. “Nếu cứ kéo dài tình trạng tăng giá xăng dầu và điều chỉnh liên tục chỉ trong vòng 1 tháng, e rằng doanh nghiệp khó có thể cầm cự”, bà Oanh nhấn mạnh nói.
Cũng trong tâm trạng không vui, ông Trương Quang Mẫn, Phó Tổng Giám đốc Công ty Mai Linh, cho rằng, giá xăng như hiện nay, doanh nghiệp vẫn chịu được, nhưng phải “gồng mình”. Ông phân tích, với trên 3.500 taxi, cho thuê, chạy tuyến cố định, bình quân mỗi ngày tiêu thụ trên 46.000 lít xăng, nếu Nhà nước cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu tự điều chỉnh giá xăng lên, xuống từ 5% đến 10% mỗi tháng so với giá như hiện nay thì Mai Linh vẫn chịu đựng được và không phải tăng giá cước.
“Từ trước tới nay, công ty vẫn thường xuyên ký hợp đồng hằng tháng với các cây xăng, việc ký kết này giúp giá cả ổn định. Nhưng nếu giá xăng tăng trên 10% so với giá hiện tại thì lúc đó mới tính đến việc điều chỉnh giá cước”, ông nói. Theo ông, nếu giá xăng tăng dưới 10% thì chỉ thiệt hại cho lái xe, vì tất cả các doanh nghiệp kinh doanh taxi đều áp dụng phương pháp ăn chia theo tỷ lệ với lái xe, tiền xăng lái xe tự trả.
Dù vậy, ông Mẫn cũng lo lắng: “Trường hợp giá xăng tăng liên tục dẫn đến cao hơn 10% so với giá xăng hiện tại quả rất khó cho chúng tôi, bởi mỗi lần điều chỉnh giá cước đều phải điều chỉnh lại đồng hồ taxi, với số lượng xe nhiều như của Mai Linh, mỗi lần kiểm định phải mất cả tháng mới xong. Như vậy sẽ gây ách tắc, đình trệ kinh doanh”.
Theo giới chuyên môn, dự báo một năm có thể sẽ có nhiều lần biến động giá xăng, như vậy cơ quan kiểm định cũng phải có phương án kiểm định đồng hồ như thế nào cho nhanh chóng và cần thiết thì “xã hội hóa lĩnh vực” này để nhiều đối tượng có điều kiện đầu tư, giảm bớt áp lực cho một vài cơ sở của Nhà nước như hiện nay.