Việt Nam có tỷ lệ sở hữu ôtô chưa tới 30 xe/1.000 dân. Đây là con số quá thấp với một thị trường có tới 90 triệu dân.
Tỷ lệ này cũng thấp hơn nhiều so với Trung Quốc (120 xe/1.000 dân) và còn cách quá xa Mỹ (800 xe/1.000).
Không nhiều người dân được sở hữu ôtô là tình hình chung của các nước Đông Nam Á. Với hơn 600 triệu dân, tăng trưởng kinh tế khá vững, nhưng doanh số bán ôtô mới chỉ đạt 2,1 triệu chiếc tại 10 nước ASEAN trong năm 2016.
Trong khi đó tại Trung Quốc, doanh số bán ôtô (loại 7 chỗ ngồi trở xuống, không tính xe tải) đã tăng gấp bốn lần trong 10 năm qua lên 24,38 triệu xe năm 2016 và nước này đã trở thành thị trường ôtô lớn nhất thế giới trong năm 2009.
Khu vực Đông Nam Á hứa hẹn là thị trường nhiều tiềm năng đối với các nhà sản xuất ôtô toàn cầu đang tìm kiếm thị trường mới ngoài Trung Quốc để tăng doanh số bán ở châu Á.
Tuy vậy, các nhà sản xuất ôtô cho biết việc phát triển tại thị trường Đông Nam Á có những khó khăn liên quan tới thuế nhập khẩu, sự thống trị thị trường khu vực của các doanh nghiệp Nhật Bản và tình trạng cơ sở hạ tầng thiếu hụt.
Indonesia có thị trường tiêu dùng lớn với 250 triệu dân song nhà sản xuất ôtô Ford (Mỹ) đã rút khỏi thị trường này trong năm 2016 khi đối mặt với các đối thủ Nhật Bản chiếm tới hơn 90% thị phần ôtô ở Indonesia.
Theo PwC, các hãng ôtô Nhật Bản chiếm tới 71% tổng doanh số bán ôtô tại Thái Lan và 59% tại Việt Nam.
Khánh An (Trithucthoidai)