Cuối năm 2016, Bộ GTVT ban hành Thông tư số 43 quy định quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phân cấp…
Theo đơn vị sử dụng, tàu PPC có sức chở 56 khách hiện rất ít hoạt động |
Cuối năm 2016, Bộ GTVT ban hành Thông tư số 43 quy định quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phân cấp và đóng phương tiện thủy nội địa chế tạo bằng vật liệu PPC (polypropylen copolyme). Một số thông tin cho rằng, quy chuẩn này như một giấy phép con, hạn chế đóng tàu cỡ lớn bằng vật liệu này. Vậy, vì sao lại phải có quy chuẩn chế tạo tàu bằng vật liệu PPC?
PPC được dùng để chế tạo phương tiện thủy
Thông tư số 43 của Bộ GTVT ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phân cấp và đóng phương tiện thủy nội địa chế tạo bằng vật liệu PPC, có hiệu lực thi hành từ ngày 28/7/2017, chính thức cho phép sử dụng PPC đóng phương tiện thủy dân dụng có chiều dài dưới 20m, sức chở đến 12 người. Đáng lưu ý, PPC là vật liệu được sản xuất tại nước ngoài, nhưng đến nay chưa nước nào hay tổ chức đăng kiểm nào trên thế giới có tiêu chuẩn kỹ thuật đối với phương tiện thủy làm bằng PPC. Đây không phải là giấy phép mà là quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, vừa tạo điều kiện để doanh nghiệp sản xuất, vừa đảm bảo an toàn kỹ thuật và môi trường. Việt Nam cũng là nước đầu tiên ban hành tiêu chuẩn kỹ thuật nói trên. Cần nói thêm, vật liệu PPC được nhập về trong nước từ cách đây vài năm và đã thử nghiệm đóng tàu có sức chở đến 56 chỗ.
Ông Bùi Quốc Hưng, Phó phòng Tàu sông (Cục Đăng kiểm VN) cho biết, do PPC có tính chất đặc thù so với các vật liệu thường được sử dụng trong đóng phương tiện thủy khác như: Thép, gỗ, composite… nên quy chuẩn cũng chỉ cho phép áp dụng đối với tàu chở người, chở hàng hóa thông thường; Không được dùng để đóng các loại tàu chở hàng nguy hiểm, tàu chở dầu, tàu cánh ngầm, đệm khí.
“Theo chỉ đạo của Bộ GTVT, năm 2015 và 2016, một tổ công tác với thành phần gồm các nhà khoa học, chuyên gia trong các lĩnh vực công nghệ vật liệu, hóa học, kết cấu, chế tạo… đã tham khảo các tài liệu về PPC trên thế giới, làm việc với nhà sản xuất vật liệu và có các thử nghiệm cần thiết; Trên cơ sở đó xây dựng, đề xuất và Bộ GTVT ban hành quy chuẩn trên”, đại diện Cục Đăng kiểm VN nói.
Ông Hưng cũng cho biết thêm, PPC có ưu điểm nhẹ, không bị nước biển ăn mòn, nhưng so với các vật liệu phổ thông dùng đóng phương tiện thủy hiện nay (thép, hợp kim nhôm, composite) thì PPC chịu lực kém hơn, dễ cháy (biến dạng trong khoảng nhiệt độ 85 độC – 90 độ C , nhiệt độ nóng chảy từ 162 độ C – 167 độ C, tự bốc cháy ở nhiệt độ 340 độ C) và khi cháy có mật độ khói cao hơn mức cho phép. PPC cũng có đặc tính bị rão, suy giảm cơ học theo thời gian do bị tác động các điều kiện như tải trọng, nhiệt độ, liên kết hàn.
Chưa đủ thông số an toàn
Đề cập quy chuẩn trên, mới đây, 2 cơ sở dùng PPC để đóng phương tiện thủy là Công ty CP Công nghệ James Boat và Công ty CP Công nghệ Việt – Séc đều có ý kiến cho rằng, việc giới hạn kích thước phương tiện được đóng bằng PPC có chiều dài tối đa dưới 20m, có sức chở đến 12 người bất hợp lý, dẫn đến không thể ứng dụng PPC vào chế tạo tàu khách, du thuyền. Bởi, theo quy định chung, phương tiện thủy đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật và có sức chở từ trên 12 người mới được hoạt động kinh doanh chở khách (tàu khách). Doanh nghiệp thậm chí kiến nghị Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội, đề nghị Bộ GTVT nghiên cứu, xem xét. (Hiện, cả nước chỉ có 2 doanh nghiệp trên sử dụng PPC để chế tạo phương tiện thủy và đã được cấp chứng nhận kiểm định cho 15 phương tiện làm bằng PCC).
Liên quan vấn đề trên, đại diện Cục Đăng kiểm VN cho biết, bên cạnh nghiên cứu, thí nghiệm để có cơ sở xây dựng quy chuẩn, tổ công tác còn trao đổi với các tổ chức đăng kiểm của Cộng hòa Séc (CS Lloyd), nhà sản xuất vật liệu, cũng như thực tế việc sản xuất phương tiện được làm bằng PPC tại Cộng hòa Séc. Việc kiểm định tàu PPC tại Cộng hòa Séc cũng chỉ dựa vào tiêu chuẩn chung của Đăng kiểm Cộng hòa Séc về “Vật liệu và hàn vật liệu phi kim loại – nhựa” và vận dụng một số tiêu chuẩn về nhựa nói chung của châu Âu để chứng nhận tàu đóng bằng PPC. Trong khi đó, các tổ chức đăng kiểm hàng đầu thế giới như: Nhật, Nga, Hàn Quốc, Ấn Độ, Pháp… chưa từng đăng kiểm tàu thuyền nào làm bằng PPC.
“Tháng 1/2016, ở Cộng hòa Séc chỉ có duy nhất một cơ sở chế tạo tàu thuyền bằng PPC, nhưng công nghệ và trang thiết bị của cơ sở này đã được chuyển giao sang cho doanh nghiệp Việt Nam. Trước đó, tại Cộng hòa Séc, PPC cũng chỉ mới được dùng để chế tạo tàu, thuyền vui chơi giải trí, phục vụ công tác có chiều dài lớn nhất không quá 17m, sức chở không quá 12 người”, báo cáo của Cục Đăng kiểm VN.
“Thực tế, đã có 2 tàu khách chở 32 khách và 56 khách được đóng thử nghiệm bằng PPC, nhưng quá trình thử nghiệm đã gặp sự cố hỏng máy chính do nước biển tràn vào khoang nên việc sử dụng kết quả thử nghiệm mới trong thời gian ngắn, chưa đủ các thông số cần thiết đánh giá đối với tàu làm bằng PPC có kích thước và sức chở lớn”, ông Bùi Quốc Hưng nói.
Trích từ Baogiaothong