Tổng cục ĐBVN vừa đề xuất Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép phạt nguội xe chở quá tải, đồng thời đầu tư hệ thống các cân tốc độ cao kiểm soát xe quá tải trên các tuyến giao thông.
Cân xe tốc độ cao
Ông Nguyễn Đức Thắng – Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN (TCĐBVN) cho biết, đơn vị này vừa báo cáo Bộ GTVT đề xuất một mô hình mới về hệ thống trạm kiểm soát tải trọng xe. Hệ thống này bao gồm một trung tâm cơ sở dữ liệu kiểm soát tải trọng xe đặt tại TCĐBVN kết nối với Hệ thống thông tin lĩnh vực GTVT đường bộ đang được xây dựng và các trạm cân tốc độ cao được đặt cố định trên các tuyến quốc lộ.
“Bản thân tôi rất sốt ruột trước thực trạng xe quá tải vẫn ngày đêm quần thảo phá hoại các tuyến đường bộ. Hệ thống cân tốc độ cao của VEC vừa qua được lắp đặt trên đường Pháp Vân – Cầu Giẽ cho thấy 100% xe tải qua đây đều chở quá tải”. Ông Nguyễn Đức Thắng Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục ĐBVN
Trạm cân tốc độ cao sau khi xây dựng lắp đặt sẽ hoạt động 24/24h truyền dữ liệu liên quan đến lưu lượng và tải trọng xe khai thác về trung tâm cơ sở dữ liệu kiểm soát tải trọng xe phục vụ công tác quản lý. Nhận được dữ liệu, phần mềm tại trung tâm cơ sở dữ liệu kiểm soát tải trọng xe sẽ phân tích và thông báo mức độ xe quá tải trên các tuyến quốc lộ có đặt trạm cân tốc độ cao. Khi mức độ xe quá tải tăng cao sẽ bố trí trạm cân lưu động đến xử lý xe quá khổ, quá tải.
TP Hồ Chí Minh đã tiên phong lắp đặt trạm cân tốc độ cao dạng này ở cảng Cát Lái để sàng lọc, phát hiện xe quá tải. Thành phố cũng điều động nhiều lực lượng khác cùng phối hợp xử lý với trạm cân nên tình trạng xe chở quá tải đã thuyên giảm. Không những vậy, tình hình trật tự ATGT và ùn tắc giao thông tại khu vực cửa ngõ thành phố cũng được đảm bảo.
Phạt nguội để tránh tiêu cực
Cũng theo ông Thắng, để đạt được hiệu quả, về lâu dài, TCĐBVN sẽ đề xuất Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép phạt nguội với xe chở quá tải. Vì sai số phạt nguội chỉ khoảng 5%, nên việc áp dụng trạm cân tốc độ cao vào phạt nguội chắc chắn sẽ mang lại hiệu quả.
Cân tốc độ cao có thể giữ được 100% số liệu của các phương tiện lưu thông trên đường. Chi phí đầu tư chưa đến 3 tỉ đồng/bộ. Cân tốc độ cao cho phép sai số trong phạm vi 5%, đồng thời không đòi hỏi mặt bằng xây dựng, không cần bộ máy nhân sự thao tác cân. Điều này vừa tránh được tiêu cực vừa đỡ tốn kém chi phí tiền lương cho nhân công.
“Với những tính năng nổi trội trên, ngành GTVT đề nghị đầu tư vài trăm cân tốc độ cao đặt tại 2 đầu trạm thu phí trên tất cả các quốc lộ để ngăn chặn tình trạng xe chở quá tải” – ông Thắng đề xuất.
Cũng theo ông Thắng, nhược điểm duy nhất của cân tốc độ cao là không thể trực tiếp xử lý xe quá khổ, quá tải trên các tuyến quốc lộ. Để giải quyết điều này, trước mắt có thể kết hợp bố trí trạm cân lưu động đến phối hợp với trạm cân tốc độ cao. Khi đó, trạm cân động tốc độ cao là cân lọc sơ cấp và trạm cân lưu động là cân khẳng định tải trọng để xử phạt.
Đồng quan điểm trên, ông Đỗ Văn Nghĩa – Phó Giám đốc Sở GTVT Yên Bái cho biết, thực tế hoạt động của các trạm cân lưu động thời gian qua còn nhiều nhược điểm như khó kiểm soát được hết xe quá tải trên đoạn tuyến có lưu lượng lớn, đồng thời lại dễ gây ách tắc nếu làm gắt. Việc cân lưu động có hoạt động hiệu quả hay phát sinh tiêu cực còn phụ thuộc nhiều ở các cá nhân thực thi công vụ. Do đó, về lâu dài rất cần phải lắp đặt hệ thống các cân tĩnh tốc độ cao trên tất cả các tuyến đường và đề xuất cho sửa hình thức xử phạt nguội mới ngăn được xe quá tải mà lại không phát sinh tiêu cực.
Doanh nghiệp vận tải hàng hóa kiêu trời! khách hàng biết kiêu ai?
Theo số liệu thống kê 2013 cả điện bàn TP. HCM có đến 90% công ty kinh doanh vận tải phải chở quá tải trọng cho phép vì theo họ cả nhà xe cùng khách hàng đều có lợi
Theo Bảy Phong, mức giá cước vận tải trung bình trên thị trường TP. HCM hiện nay khoản 1,300,000 đồng/tấn tuyến vận chuyển hàng từ HCM đi Hà Nội và 800,000/tấn cho tuyến vận chuyển từ Hà nội về HCM, như vậy nếu loại xe 13 tấn chỉ được phép chở hàng đúng tải trọng cho phép thì tổng cước họ đi là 16,900.000 chuyến đi cộng 10,400,00 chuyến về bằng 27,300,000. trong khi đó tổng khoản cách toàn tuyến tương đương 1,800km tổng chiều dài cả đi và về là 3,600 km, mức tiêu hao nhiên liệu cho loại xe này là 35 lít/100 km nên tổng chi phí nhiên liệu cho toàn tuyến là 1,260 x 22,800 = 28,700,000 đồng. Như vậy tiền cước vận chuyển sẽ không bù được chi phí nhiên liệu, trong khi chi phí cầu đường, lương tài xế, phí bến bãi, lãi xuất ngân hàng không phải là con số nhỏ, không dưới 10,000,000đ/ chuyến.
Cũng theo công ty này nếu không được phép chở quá tải thì thị trường vận tải buộc phải tăng giá lên rất cao như vậy người chịu thiệt vẫn là khách hàng, vì không có doanh nghiệp vận tải nào chấp nhận làm công ích.
Theo quy hoạch tổng thể Trạm kiểm tra tải trọng xe trên đường bộ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã được phê duyệt theo Quyết định số 1502/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đến 2015 sẽ đầu tư xây dựng 13 trạm kiểm tra tải trọng xe cố định và trang bị 142 bộ cân lưu động với kinh phí dự kiến gần 1.200 tỉ đồng. Hiện nay, Tổng cục ĐBVN đang triển khai dự án đầu tư mua sắm 67 trạm kiểm tra trọng tải xe lưu động và đầu tư xây dựng 11 trạm cố định.