Từ lâu, những chiếc xe Howo thùng khủng với than đá và clinke chất cao ngất ngưởng xuôi ngược các cung đường từ Cảng Khánh Phú thuộc KCN Khánh Phú, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình vào TX Tam Điệp (Ninh Bình) và huyện Bỉm Sơn (Thanh Hóa) đã trở thành chuyện thường ngày. Tuy nhiên, điều bất thường là vi phạm này lại được bắt nguồn từ chính những lãnh đạo của Cảng Khánh Phú.

Howo Khánh Phú vượt tải 3 lần tung hoành trên đường
Những ngày cuối tháng 7, quá trình theo dõi xe quá tải khởi hành từ các Nhà máy xi măng Vicem Tam Điệp, Pomihoa, Duyên Hà (thuộc tỉnh Ninh Bình) và Vicem Bỉm Sơn (Thanh Hóa), PV Báo Giao thông liên tiếp bắt gặp đoàn xe cả chục chiếc Howo có thùng kích thước khủng  chở đầy ắp than, clinke với hai chữ đỏ Khánh Phú dán trên đầu xe thản nhiên lưu thông trên đường.
Với 29 đầu phương tiện, nếu các tài xế đủ công, mỗi tháng Cảng Khánh Phú thực hiện đến 2.610 chuyến hàng quá tải. Trong khi đó, cung đường mà các xe Khánh Phú qua lại bắt buộc phải đi qua trạm KSTT liên ngành đặt trên QL1. Tuy nhiên, theo thống kê mà ông Phạm Văn Hiếu cấp cho chúng tôi, trong tháng 7, chỉ có bảy phương tiện bị xử phạt với tổng tiền phạt 42 triệu đồng do chở quá tải (!?).

Theo xe BKS 35C-032.14 chở đầy clinke từ Nhà máy xi măng Duyên Hà theo QL1 về phía cảng, chỉ bằng mắt thường, ai cũng có thể đoán được những xe này đang chở quá tải. Thế nhưng, khi đi qua trạm cân, tuyệt nhiên không có bất cứ xe nào bị lực lượng liên ngành tỉnh Ninh Bình dừng lại kiểm tra. Tại KCN Khánh Phú (xã Khánh Phú, huyện Yên Khánh) nơi giao nhận hàng của đoàn xe Howo, PV được mục kích từng đoàn xe Howo có thùng hàng với thể tích lớn gấp hai lần so với nguyên bản nườm nượp ra vào “ăn” hàng.

Ngay trong khu vực cảng, hai xe tải BKS 35H-0755 và 35C-002.96 đang xếp hàng lấy than từ cầu cảng. Chưa đầy 10 phút sau, xe 35H-0755 nghễu nghện đi qua bàn cân trở ra bên ngoài với số than cao có ngọn trên thùng xe. Tiếp đó, hàng loạt các xe khác BKS 35C-017.51, 35C-0034… cũng rời cảng trong tình trạng tương tự.  Trong vai chủ hàng, chúng tôi được nhân viên bảo vệ ở đây cho biết, các xe Howo thường chở khoảng 28 tấn than (vượt quá tải trọng cho phép tới ba lần – PV), còn clinke thì nặng hơn. Đồng thời, trước yêu cầu của chúng tôi, bảo vệ đã không ngần ngại cung cấp số điện thoại của lãnh đạo đơn vị để: “Anh em làm việc cho cụ thể”.
“Chở đúng tải chủ hàng sẽ không thuê cảng nữa”
Từ số điện thoại được cung cấp, chúng tôi đã làm việc với ông Phạm Văn Hiếu – Phó Giám đốc phụ trách kinh doanh Công ty TNHH Long Sơn, đơn vị quản lý Cảng Khánh Phú. Trước những thông tin chúng tôi đưa ra, ông Hiếu thừa nhận việc các xe của Cảng Khánh Phú chở quá tải và lãnh đạo cảng đều đã biết: “Dù không có chủ trương, nhưng đôi khi vì yêu cầu giải phóng hàng hoặc do chủ hàng yêu cầu nên anh em mới cấp hàng vượt tải cho các xe”, ông Hiếu đưa ra lý do.
Ông Hiếu cũng đưa cho chúng tôi danh sách 29 đầu phương tiện chuyên chở than và clinke cho các Nhà máy Bỉm Sơn, Tam Điệp, Pomihoa với số lượng 1.800 – 2.000 tấn than/ngày và nhận 1.500 – 1.800 tấn clinke từ các nhà máy chở về cảng. Trong số 29 xe, có trên 80% là loại xe Howo “3 chân” nhập nguyên bản từ Trung Quốc, còn lại là xe Howo “4 chân” mới nhập năm 2013, thời điểm Bộ GTVT ban hành quy định về kích thước thùng hàng. “Đối với công ty, chúng tôi đã cho cắt toàn bộ phần thành thùng cơi nới, chỉ giữ thùng nguyên bản theo như thời điểm nhập”, ông Hiếu nói.
Ép chở đúng tải, sẽ không ai thuê cảng chở hàng nữa
Ép chở đúng tải, sẽ không ai thuê cảng chở hàng nữa
Tuy nhiên, khi chúng tôi chuyển cho lãnh đạo Cảng Khánh Phú xem hình ảnh chiếc xe BKS 35C-027.21, đầu xe ghi rõ dòng chữ “Cảng Khánh Phú” với kích thước thùng không thể cơi nới thêm mà chúng tôi vừa chụp được trong buổi sáng tại khu vực Bỉm Sơn, Thanh Hóa, ông Hiếu tỏ ra khá lúng túng và cho biết “sẽ kiểm tra lại”.
Điều đáng nói, mặc dù chủ trương kiểm soát tải trọng được lãnh đạo cảng nắm rất rõ, nhưng vẫn cho cấp hàng thừa tải, thậm chí, khi chúng tôi đề nghị Cảng Khánh Phú cho xem số lượng hàng hóa, số chuyến lượt lưu thông mỗi ngày của cảng, ông Hiếu tìm cách thoái thác, chỉ trả lời chung chung: “Mỗi xe chở từ 22-28 tấn/chuyến đối với than và cộng thêm 5 tấn/chuyến đối với clinke” (!?).
Trước chất vấn của chúng tôi, sai phạm lại được bắt nguồn từ chính lãnh đạo cảng, trong khi đây lại là một đơn vị trong ngành GTVT thì cần phải gương mẫu chấp hành chủ trương liên quan đến kiểm soát tải trọng, lập tức ông Hiếu đưa ra lý do: Hiện giá cước quá tải là 40.000 đồng/tấn từ cảng đi các nhà máy. Trong trường hợp chở đúng tải, cước lên 100.000 đồng/tấn, tăng thêm 2,5 lần. Với mức giá đó, chắc chắn các chủ hàng sẽ không thuê cảng chở nữa”.
Oái oăm còn ở chỗ, cảng trực tiếp cấp thừa tải cho các phương tiện, nhưng theo ông Hiếu: “Khi bị phạt quá tải, lái xe phải chịu, cảng khoán sản lượng vận chuyển theo đầu phương tiện để tính lương cho đội ngũ lái xe. Để đạt mức lương 10 triệu/tháng, mỗi lái xe phải chở tương đương 90 chuyến/tháng”.