Việt Nam đang có kế hoạch áp dụng đồng loạt mô hình thu phí không dừng theo công nghệ Mỹ, giúp tiết kiệm thời gian, nhiên liệu, nhân công và giảm thiểu tai nạn giao thông.
Công nghệ thu phí điện tử không dừng (ETC) vừa được Bộ Giao thông Vận tải giao cho Công ty Tasco thí điểm tại 3 trạm thu phí ở Việt Nam từ giữa tháng 3 và sắp tới sẽ thực hiện đồng loạt. Mọi xe có gắn thẻ định danh (etag) chạy vào làn thu phí sẽ được nhận diện bằng công nghệ laser kích hoạt camera chụp biển số và ăngten phát tín hiệu đọc thẻ Etag. Rào chắn tự động mở để xe qua và tin nhắn trừ tiền gửi về điện thoại đã đăng ký. Đây là công nghệ được đánh giá ưu việt hàng đầu thế giới do Mỹ phát triển và Đài Loan là quốc gia, vùng lãnh thổ đã áp dụng rất thành công.
Trao đổi với báo chí, ông Y.C Chang – Tổng giám đốc Công ty FETC thuộc Tập đoàn Viễn Đông – công ty phát triển thành công hệ thống ETC tại Đài Loan và cũng là đơn vị tư vấn cho dự án ETC của Việt Nam cho biết, tổng mức đầu tư của dự án họ bỏ ra khoảng 380 triệu USD sau 2 giai đoạn. Tuy nhiên, những thống kê về mặt kinh tế – xã hội sau khi đưa ETC vào sử dụng tại Đài Loan, theo ông Y.C Chang, mới đáng để nói đến.
Hệ thống thu phí điện tử không dừng tại Đài Loan
Vị lãnh đạo của FETC dẫn nghiên cứu từ một cơ quan độc lập tại Singapore cho thấy, công nghệ thu phí không dừng đa làn hoàn toàn này “đem về” cho Đài Loan khoảng 800 triệu USD mỗi năm nhờ tiết kiệm chi phí kinh tế, xã hội như nhân công, chi phí xăng dầu, thời gian lưu thông, giảm thanh toán tiền mặt… Không chỉ vậy, Tổng giám đốc FETC Đài Loan còn cho biết, theo thống kê, hệ thống này cũng góp phần giảm 20% tai nạn giao thông cho Đài Loan.
Với trường hợp Việt Nam, dựa trên đặc thù về giao thông hiện nay, theo ông Y.C Chang, công nghệ ETC với những thẻ định danh (etag) gắn trên từng ôtô hoàn toàn có thể đưa ra nhiều giải pháp tối ưu để giảm thiểu tai nạn giao thông, giúp Chính phủ nhận dạng xe gây tai nạn, dùng biển giả…
Ước tính từ các chuyên gia cho thấy, mỗi lần dừng xe nộp phí sẽ làm chậm hành trình của các phương tiện từ 2-3 phút, tăng thời gian lưu thông từ 4-5% và tiêu tốn thêm 7-8% nhiên liệu khi lưu thông trên đường cao tốc. Tuy nhiên nếu thu phí không dừng, mỗi năm Việt Nam sẽ giảm chi phí in vé giấy khoảng 70 tỷ đồng, tiết kiệm nhiên liệu 233 tỷ đồng; giảm thời gian tham gia giao thông 2.800 tỷ đồng; tiết kiệm chi phí quản lý giao thông 360 tỷ đồng…
Lái xe Đài Loan chính thức tạm biệt thu phí thủ công từ đầu tháng 2/2014. Nếu như Nhật Bản mất 13 năm để đạt con số gần 80% người sử dụng ETC thì Đài Loan chỉ cần 1,5 năm để có mật độ 94%. Đến nay Đài Loan đã có 6,3 triệu xe đăng ký, cứ 100 xe lưu thông trên đường có 94 xe được gắn thẻ e-tag và trả phí tự động.
Chia sẻ về bí quyết giúp lượng người dùng tăng nhanh chóng, các chuyên gia Đài Loan cho biết vấn đề nằm ở chi phí rẻ và sự thuận tiện công nghệ này mang lại cho các lái xe.
Chi phí cho một e-tag khoảng 1-2 USD nhưng ban đầu, Đài Loan hoàn toàn miễn phí cho chủ xe. Không chỉ vậy, họ sử dụng một loạt những hệ thống “chân rết” để nhanh chóng mở rộng và duy trì mạng lưới thuê bao gắn etag. Một trong số đó là qua các hãng xe hơi, cửa hàng bán linh kiện, vật tư. Nhờ kênh này, 80% xe mới được gắn etag ngay khi chuyển tới tay khách hàng. Bên cạnh đó, FETC có 25 điểm dịch vụ do họ quản lý để các lái xe đăng ký mở tài khoản thanh toán, dán etag, nạp tiền… Chưa kể, hàng nghìn cửa hàng tiện ích như Seven Eleven, HiLife, Ok… và các kiosk đặt trên toàn Đài Loan cũng hỗ trợ khách hàng nạp tiền vào tài khoản.
Đại diện Đài Loan cũng khẳng định một trong những việc quan trọng nhất của dự án này là cần giới thiệu cho người dân các hình thức thanh toán đa dạng, tiện ích. “40% việc nạp tiền của các lái xe vẫn thực hiện qua các ngân hàng với nhiều hình thức, trong đó có Internet Banking và đây là hình thức chúng tôi khuyến khích nhất”, lãnh đạo FETC cho biết.
Hiện mỗi ngày, hệ thống ETC của Đài Loan xử lý 14 triệu lượt xe, độ chính xác thu phí đạt tỷ lệ 99,99%. Theo đại diện FETC, dự án sẽ thất bại nếu các lái xe phàn nàn về sự chính xác. “Thu phí hộ Chính phủ nên bản thân FETC không cho phép bất cứ sai sót nào. Ban đầu chúng tôi còn có chính sách bất cứ lái xe nào phát hiện hệ thống thu sai sẽ được nhận ngay coupon trị giá 500 Đài tệ”, lãnh đạo FETC cho biết.
Toàn Đài Loan có khoảng 7 triệu ôtô lưu thông trên đường cao tốc tổng chiều dài trên 1.000 km. Với Việt Nam, lượng xe lên tới hơn 10 triệu nên theo lãnh đạo của FETC, cần chú trọng đào tạo nhân lực tốt để ngăn chặn những sai sót gây phiền nhiễu cho các lái xe. Thuyết phục gắn etag đã khó nhưng để giữ chân họ sử dụng dịch vụ còn khó hơn. Như tại Đài Loan, tháng đầu triển khai có tới 10% etag bị lỗi, không hoạt động được. “Chúng tôi đã làm rất nhiều cách để đưa con số từ 10% này về 1% như hiện nay. Đội ngũ dịch vụ dán, thay etag lên xe cũng phải rất chú trọng. Đừng để người dùng etag quay lại phàn nàn những điều như tại sao barier không mở, sao etag không hoạt động…”, ông chia sẻ.
Theo bà Trịnh Thị Hằng Nga, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ sẽ dự kiến một lộ trình thích hợp để triển khai và trước mắt sẽ vẫn duy trì song song hai hình thức thu phí thủ công và tự động (có rào chắn – barrier). Ở giai đoạn 2, cơ quan này dự kiến sẽ thực hiện tự động hoàn toàn, bỏ rào chắn.