Trước đà gia tăng dân số kéo theo lượng phương tiện cá nhân tăng nhanh khiến cho hệ thống hạ tầng giao thông TPHCM trở nên quá tải gây kẹt xe, ùn tắc giao thông, nhất là các tuyến đường cửa ngõ ra vào TP. Để giải quyết tình trạng này, những năm qua TPHCM đã đầu tư xây dựng hàng loạt cầu vượt bằng thép, đầu tư xây mới cũng như nâng cấp, mở rộng nhiều tuyến đường góp phần không nhỏ vào việc giải quyết tình trạng ùn tắc, kẹt xe ở những cửa ngõ.

Giảm ùn tắc và kẹt xe

Cách đây vài ba năm, trên tuyến Xa lộ Hà Nội, nhất là đoạn trước Khu Du lịch Suối Tiên, ngã tư Thủ Đức vốn là nỗi ám ảnh của người đi đường vì tình trạng kẹt xe vào giờ cao điểm hàng ngày, cũng như dịp lễ, tết. Tuy nhiên, hơn 1 năm trở lại đây, khi mặt đường Xa lộ Hà Nội được nâng cấp, mở rộng; cũng như việc xây dựng cầu vượt bằng thép tại nút giao ngã tư Thủ Đức, tình trạng ùn tắc, kẹt xe đã được giải quyết cơ bản. Tương tự, nằm ở cửa ngõ phía Tây, trước đây tuyến đường Kinh Dương Vương cũng thường xuyên rơi vào cảnh kẹt xe mỗi dịp lễ, tết, ngày đầu tuần do lượng phương tiện của người dân từ các tỉnh miền Tây tập trung về TPHCM làm việc, học tập đông gây quá tải cho tuyến đường. Thế nhưng, từ ngày tuyến đường cao tốc TPHCM-Trung Lương; cũng như đường Võ Văn Kiệt đưa vào sử dụng, tình trạng ùn tắc, kẹt xe đã giảm hẳn. Ngoài ra, tại các tuyến quốc lộ 1 (đoạn nút giao thông Quốc lộ 1-Hương lộ 2, quận Bình Tân), Kha Vạn Cân (Thủ Đức), Đinh Bộ Lĩnh (đoạn trước cổng Bến xe miền Đông, Bình Thạnh)… tình trạng ùn tắc, kẹt xe đã giảm nhờ có các công trình cầu vượt nút giao thông Quốc lộ 1-Hương lộ 2, đường Phạm Văn Đồng được đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng chia tải cho cả khu vực.

Trong những ngày trước và sau Tết Ất Mùi, có mặt tại các khu vực này, chúng tôi nhận thấy cảnh xe cộ lưu thông một cách thông suốt không còn xảy ra ùn tắc, kẹt xe dù lượng phương tiện lưu thông rất đông. Anh Nguyễn Văn Hậu, chạy xe ba gác ở khu vực nút giao thông Quốc lộ 1-Hương lộ 2 vui mừng: “Lúc trước tại khu vực này kẹt xe giữ lắm, nhất là vào giờ cao điểm, nhưng từ khi có cầu vượt tới nay không còn kẹt xe nữa và các phương tiện lưu thông an toàn hơn”. Còn anh Thanh Tâm, ngụ ở Dĩ An, Bình Dương chia sẻ: “Trước đây, khi chưa có tuyến đường Phạm Văn Đồng, hàng ngày đi làm từ nhà đến cơ quan ở quận 3 mất cả tiếng đồng hồ do gặp cảnh kẹt xe ở các tuyến đường Kha Vạn Cân, Đinh Bộ Lĩnh. Thế nhưng, từ ngày tuyến đường Phạm Văn Đồng thông xe, việc đi lại rất thuận tiện và chỉ chưa đầy 30 phút là đến cơ quan nhờ đường rộng không bị kẹt xe”.

Theo Sở GTVT TPHCM, việc nhiều công trình giao thông trọng điểm thi công hoàn thành và đưa vào khai thác nhanh chóng phát huy hiệu quả, tăng khả năng lưu thông, nhất là các khu vực thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông, các nút giao trọng điểm và các cửa ngõ TP. Chẳng hạn, tuyến đường Phạm Văn Đồng là trục đường đô thị hướng tâm quan trọng của TP, kết nối từ sân bay Tân Sơn Nhất đến quốc lộ 1A và quốc lộ 1K, tạo ra hướng giao thông mới qua các quận Tân Bình, Gò Vấp, Bình Thạnh, Thủ Đức và kết nối với tỉnh Bình Dương, Đồng Nai. Với việc hoàn thành và thông xe đoạn từ nút giao Nguyễn Thái Sơn đến cuối tuyến (cầu vượt Linh Xuân) dài 11km phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân TP, kéo giảm tình trạng ùn tắc giao thông lân cận, phục vụ phát triển kinh tế xã hội của TP. Ngoài ra, với việc thông xe đưa vào sử dụng cầu vượt tại nút giao thông Quốc lộ 1-Hương lộ 2 (quận Bình Tân) cơ bản giải quyết tình trạng kẹt xe trên tuyến quốc lộ 1A đoạn qua Hương lộ 2 vốn là “điểm nóng” trong thời gian qua.

Cầu vượt quốc lộ 1 - Hương lộ 2 vừa thông xe đã giải quyết được tình trạng ùn ứ giao thông tại đây
Cầu vượt quốc lộ 1 – Hương lộ 2 vừa thông xe đã giải quyết được tình trạng ùn ứ giao thông tại đây

Đầu tư các dự án khép kín đường Vành đai

Sở GTVT TPHCM cũng cho biết, trong năm 2015, sẽ tăng cường các biện pháp, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình trọng điểm cấp bách của TP. Trong đó, tập trung hoàn tất công tác chuẩn bị đầu tư đối với các dự án khép kín đường Vành đai 2 (đường nối Vành đai phía Đông-Xa lộ Hà Nội, đường nối từ cầu vượt nút giao thông Gò Dưa đến đường Tân Sơn Nhất-Bình Lợi-Vành đai ngoài và đường nối Bình Thái-Gò Dưa); các dự án xây dựng đường hướng tâm (cầu đường Bình Triệu 2, đường Bắc Nam đoạn từ đường Hoàng Diệu đến Nguyễn Văn Linh); dự án cầu vượt bằng thép tại các nút giao thông quan trọng; cầu Thủ Thiêm 2, đường Lương Định Của; nâng cấp, mở rộng đường Nguyễn Duy Trinh (đoạn từ Vành đai 2 đến đường vào KCN Phú Hữu)… Mặt khác, phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ GTVT đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình: Đường cao tốc liên vùng phía Nam, mở rộng quốc lộ 50, các tuyến giao thông liên vùng…

Bên cạnh đó, tiếp tục kêu gọi đầu tư đối với các đoạn đường thuộc tuyến đường Vành đai 2 của TP, trong đó ưu tiên đoạn từ cầu Rạch Chiếc trên đư ờng Vành đai phía Đông đến ngã tư Bình Thái; đường Vành đai 2 phía Nam thành phố (từ nút giao thông An Lập đến đường Nguyễn Văn Linh); cầu đường Bình Tiên; xây dựng hầm chui tại nút giao thông An Sương; xây dựng đường nối Đại lộ Đông Tây với đường cao tốc TPHCM-Trung Lương; nâng cấp, mở rộng quốc lộ 13 (đoạn từ ngã tư Bình Phước đến cầu Bình Triệu)… Như vậy, khi các dự án nói trên xây dựng hoàn thành, trong thời gian tới các tuyến đường cửa ngõ TP sẽ trở nên thông thoáng và tạo thuận lợi cho việc lưu thông cho các phương tiện giúp giảm ùn tắc, kẹt xe.